Tiết lộ về lực lượng chủ chốt của quân đội Nga

Tin thế giới - Ngày đăng : 05:13, 02/10/2023

Được thành lập vào năm 1992 sau khi lực lượng vũ trang Liên Xô giải thể, lục quân là lực lượng chủ chốt của quân đội Nga. Đây là nhánh đông nhất, phức tạp và đa dạng nhất của quân đội Nga.
Ảnh: Sputnik

Theo hãng tin Sputniks, lục quân của Liên bang Nga là một lá chắn đáng gờm, gồm lực lượng thiết giáp, pháo binh, bộ binh, phòng không, lực lượng hậu cần và các đơn vị chuyên biệt như lực lượng tác chiến điện tử, chống độc. Lục quân luôn sẵn sàng chống lại bất kỳ mối đe dọa nào trên đất liền với quyết tâm kiên định, đảm bảo sự an toàn của nước Nga.

Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã thúc đẩy đáng kể việc hiện đại hóa vũ khí cho lục quân. Tướng về hưu Vladimir Boldyrev - cựu chỉ huy lục quân thuộc lực lượng vũ trang Nga nói, vũ khí của lục quân Nga thuộc hàng tốt nhất thế giới, trong đó xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 không có đối thủ trên chiến trường.

Ông Boldyrev nói thêm, trong khi xe tăng T-14 Armata có thể được coi là xe tăng của tương lai, thì Nga nên ưu tiên tăng cường sản xuất các mẫu cũ hơn như xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và xe thiết giáp BTR. Ngoài ra, cần tập trung nhiều hơn vào việc sản xuất các hệ thống tên lửa phóng loạt tiên tiến hơn như Tornado-S và Uragan.

Cựu chỉ huy này cũng nêu bật tầm quan trọng của máy bay không người lái (UAV): "Có rất nhiều tiến triển...UAV giúp phối hợp với lục quân. UAV phối hợp với xe tăng, các hoạt động trinh sát, các hoạt động di chuyển của bộ binh. Đây thực sự là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để trinh sát và tiêu diệt".

Ông Boldyrev lưu ý rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lục quân. Bất kể vũ khí quân đội có tiên tiến đến đâu nhưng không có bộ binh, không có lục quân thì không thể đạt được mục tiêu trên bộ nào.

Ông Alexey Podberezkin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Chính trị tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow cho biết, Nga đã cải thiện và hiện đại hóa kho vũ khí của mình, nhưng cũng nên tập trung sự chú ý tới phát triển con người, vì rằng dù một quốc gia có loại vũ khí công nghệ cao tới đâu đi nữa thì vẫn cần người vận hành chúng.