Kết cục đắng từ những vụ dàn cảnh bắt cóc tống tiền người thân

Pháp luật - Ngày đăng : 08:44, 01/10/2023

Thời gian qua, nhiều vụ dàn cảnh bắt cóc nhằm tống tiền người thân, gia đình xảy ra, hành vi vi phạm này phải trả giá từ phạt hành chính đến trách nhiệm hình sự.

Dàn dựng bắt cóc để thử lòng chồng

Mới đây, vụ việc giả bị bắt cóc nhắn tin cho chồng, đòi 10 tỷ đồng tiền chuộc để thử lòng chồng tại Hà Nội gây xôn xao. Theo đó, ngày 26/9, Công an quận Hai Bà Trưng tiếp nhận trình báo của anh D.H.G (33 tuổi, ở Hà Nội) về việc vợ và con trai 3 tuổi bị bắt cóc, yêu cầu chuyển khoản 10 tỷ đồng.

Sau hai giờ, lực lượng công an phát hiện vợ của anh G. không bị bắt cóc mà đang chờ khám bệnh tại một bệnh viện trên địa bàn.

Chị N.P.T. khai vì muốn thử lòng chồng nên giả vờ bị bắt cóc. (Ảnh: CACC)

Chị N.P.T. khai vì muốn thử lòng chồng nên giả vờ bị bắt cóc. (Ảnh: CACC)

Tại cơ quan công an, chị N.P.T khai, nhắn tin cho chồng với nội dung “chuẩn bị 10 tỷ chuộc vợ con, báo công an sẽ giết cả hai rồi tự tử" nhằm mục đích "thử thách tình cảm, phản ứng của chồng".

Hiện, công an đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xử phạt hành chính đối với chị N.P.T về hành vi vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Đầu tháng 3/2023, vụ việc tương tự xảy ra tại Thái Bình. Cụ thể, do nợ nần nên Nguyễn Văn Đông (ở huyện Quỳnh Phụ) dàn dựng bắt cóc con gái để tống tiền.

Cụ thể, trưa 8/3, Đông chở con gái ruột là N.N.H (11 tuổi) đến một nhà nghỉ tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Khi đi, Đông chuẩn bị sẵn dây điện để dàn cảnh trói con gái. Tiếp đó, Đông dùng khăn quàng đỏ bịt mắt, bịt miệng con gái rồi lấy điện thoại chụp ảnh lại.

Dàn cảnh xong, Đông dùng chiếc điện thoại khác tạo tài khoản mạng xã hội Zalo ảo để gửi hình ảnh con gái bị trói tay, bịt mắt nói trên gửi vào tài khoản mạng xã hội Zalo trên chiếc điện thoại chính còn lại của mình.

“Từ giờ đến 6 giờ tối nay mày phải chuẩn bị tiền 300 triệu cho bọn tao. Nếu không làm theo thì mày sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp con mày nữa", trích đoạn Đông viết tin giả mạo.

Xong xuôi, Đông mang theo điện thoại đi gặp một số người thân quen, họ hàng và bạn bè để vay tiền chuộc con gái. Có 3 người đồng ý cho Đông vay 200 triệu đồng để chuộc con.

Nắm bắt được thông tin, sau khoảng 2 giờ, lực lượng công an đã tìm ra địa điểm mà Đông nhẫn tâm trói, nhốt con gái mình tại một nhà nghỉ ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng và giải cứu cháu H. an toàn.

Tại cơ quan điều tra, Đông khai nhận do túng quẫn nợ nần nên mới nảy sinh ý định dùng chính con gái ruột để tạo hiện trường giả một vụ bắt cóc, tống tiền để có thể dễ dàng vay mượn tiền từ những người thân quen.

Vướng vòng lao lý

Theo luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán Cân Việt, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc dựng cảnh bắt cóc có thể bị xử phạt hành chính như vụ người vợ “thử lòng chồng” hoặc cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước hết, quy định 1 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ: “Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm”.

Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt, giữ người khác do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm buộc người muốn chuộc phải nộp tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt, giữ.

Hành vi “bắt cóc” phải thể hiện việc đưa “người bị bắt cóc” giấu đi ở một nơi nào đó mà không muốn cho người khác biết, đặc biệt là đối với người thân, gia đình của người bị bắt cóc.

Như vậy, có thể hiểu người bị bắt cóc phải bị dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác khiến bị khống chế không thể thoát thân được và hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của kẻ phạm tội. Đồng thời việc bắt giữ này phải hoàn toàn trái với ý chí, lý trí của người bị bắt giữ.

Trong trường hợp giả bắt cóc để lấy tiền chuộc từ cha mẹ sẽ không xảy ra hành vi khống chế đối với người bị bắt cóc. Bởi vậy, hành vi này có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng trong tương lai nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Bên cạnh đó, với hành vi như vụ án của Nguyễn Văn Đông (ở Thái Bình) có thể bị xem xét về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Người phạm tội này sẽ dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả rằng con gái bị bắt cóc, để tạo lòng tin đối tượng đã đưa ra tin nhắn, ảnh chụp con bị trói nhốt làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, chữ viết, bằng hành động và nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Tuỳ theo tính chất, mức độ mà mức án cao nhất với tội danh trên là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.