Cụ bà 102 tuổi ngày đêm bán hàng mưu sinh ở phố cổ Hà Nội
Nhịp sống - Ngày đăng : 06:38, 01/10/2023
Ngày 1/10 hàng năm là ngày Quốc tế Người cao tuổi (Ảnh: Nguyễn Hải).
Ngày Quốc tế Người cao tuổi thường là ngày những người con, người cháu trở về quây quần, quan tâm và dành tặng những món quà ý nghĩa đến ông bà, bố mẹ để tri ân, báo hiếu công sinh thành, dưỡng dục cũng như tình yêu thương vô bờ mà người cao tuổi dành cho con cháu.
Thực tế tại Việt Nam, việc người cao tuổi tiếp tục lao động không còn là điều xa lạ. Không chỉ ở các miền quê, mà tại Hà Nội các cụ ông, cụ bà vẫn tiếp tục làm những công việc như bán hàng, sửa chữa giày dép, bảo vệ, xe ôm,... thậm chí là đẩy xích lô. Với nhiều người già họ không có khái niệm nghỉ hưu.
Duy trì việc làm cho người ở tuổi hưu là một việc đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện (Ảnh: Mạnh Quân).
Hiện, không ít người cao tuổi do không muốn con cái vất vả để lo cho mình nên dù tuổi đã cao họ vẫn tham gia lao động nhằm tăng thu nhập cho bản thân, đó cũng là cách để đỡ đần con cháu.
Trong ảnh, bà Đào Thị Uân (65 tuổi, sống tại phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm) vẫn đẩy thùng hàng gần 20kg đi lại dễ dàng giữa trưa nắng.
Mặc dù đã 102 tuổi nhưng cụ bà Trần Thị Thắm (quê Hải Dương) đều đặn ngồi bán hàng mỗi ngày ở phố Hàng Mã và một số con phố cổ khác của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Mặt hàng cụ Thắm bán là các đồ chơi truyền thống như trống, mặt nạ, bờm đội đầu cho nữ giới,... với mức giá từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/sản phẩm. Nhiều người biết cụ tuổi cao nên mua hàng ủng hộ.
Bà Lê Thị Ly (72 tuổi) đã có 30 năm bán hàng rau củ ở chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng việc bán hàng, tính tiền cho khách được bà thực hiện khá nhanh nhẹn, chính xác (Ảnh: Mạnh Quân).
"Chân tay thì có hơi chậm nhưng đầu óc tôi vẫn rất minh mẫn. Trước đây tôi là bộ đội nhưng được nghỉ hưu sớm nên về đây bán hàng, bán mấy chục năm quen rồi, chưa nghĩ đến ngày nghỉ", bà Ly cười nói.
Đã bước sang tuổi 75 nhưng đều đặn mỗi buổi sáng ông Trác Thành An (trú quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn nướng hàng chục cân chả viên và chả miếng giúp vợ bán quán bún ở chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông chia sẻ, hai vợ chồng mở quán bún chả ở chợ Đồng Xuân đã hơn 30 năm. Từ ngày mở quán bún đến nay, vợ ông đứng bán hàng còn ông phụ trách việc nướng chả.
Mặc dù hai vợ chồng tuổi đã cao nhưng vẫn quyết tâm bán quán bởi có thu nhập ổn định và công việc không quá nặng nhọc (Ảnh: Mạnh Quân).
"Giờ ngồi nhà không làm gì lại thấy buồn tay chân, tôi quạt chả từ sáng đến chiều nhưng không thấy mệt, hôm nào đông khách lại thấy khỏe và thoải mái hơn", ông nói rồi cười xuề xòa.
Chạy xe ôm ở khu vực chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nay đã 33 năm nhưng ông Nguyễn Văn Thiện (75 tuổi) vẫn chưa có ý định "nghỉ hưu".
"Còn sức khỏe thì phải làm thôi, các con cháu cũng không muốn cho đi làm nhưng giờ ở nhà tôi lại cảm thấy bí bách, khó chịu hơn đi làm", ông bộc bạch (Ảnh: Mạnh Quân).
Mấy năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Văn Sinh (81 tuổi) mở quán trà đá ở đầu một con ngõ của phố Hàng Cót. Do tuổi cao nên sức khỏe của ông Sinh đã giảm rõ rệt, chân tay run rẩy nhưng đầu óc ông vẫn rất tỉnh táo, minh mẫn (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông bộc bạch, quán trà đá một ngày thu lời khoảng 40.000 đồng. Số tiền này đủ để vợ chồng ông ăn uống trong ngày.
Tại một số vườn hoa, công viên nằm ở trung tâm Hà Nội không khó để bắt gặp cảnh những ông già, bà lão đã 70-80 tuổi bán hàng rong (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông Trần Văn An (64 tuổi) cùng vợ mở cửa hàng sửa giày, dép ở phố Nguyễn Thái Học (quận Đống Đa, Hà Nội) đến nay đã được gần 40 năm. Đã gần 65 tuổi nhưng mọi đường kim, mũi chỉ, tra keo của ông An đều diễn ra nhanh nhẹn, thành thục, chính xác (Ảnh: Nguyễn Hải).
Theo ông An, tuổi tác không ảnh hưởng nhiều đến công việc hàng ngày. Quan điểm của vợ chồng ông là còn sức khỏe còn lao động.
"Vợ chồng tôi luôn tâm niệm lao động là vinh quang nên sẽ làm đến khi mắt yếu, tay run, không còn đáp ứng được với công việc", ông An tâm sự.
Giữa trưa nắng, nhiều ông già 60-70 tuổi vẫn miệt mài đạp xích lô quanh các phố cổ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để mưu sinh. Với những người cao tuổi làm công việc này là để kiếm tiền trang trải cuộc sống (Ảnh: Mạnh Quân).
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc nhiều người cao tuổi vẫn muốn đi làm, thì họ đang rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng, làm thiện nguyện,... Vì với họ, đó là cách để khẳng định bản thân, không muốn phụ thuộc vào người khác và tìm kiếm niềm vui cho cuộc đời.
Theo dự báo, đến năm 2038, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ đạt 20% và khi đó, nước ta được gọi là nước có dân số già.