Mức phạt ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư TPHCM ra sao?
Pháp luật - Ngày đăng : 20:00, 30/09/2023
Đó là các nội dung trong chương trình "Đối thoại cùng chính quyền thành phố" do HĐND TPHCM phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện với chủ đề Xử lý tiếng ồn trong khu dân cư, sáng 30/9.
Không dễ giải quyết một cách nhanh chóng
Buổi đối thoại có sự tham gia của Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP, Phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) và lãnh đạo UBND quận Gò Vấp.
"Vấn nạn tiếng ồn trong khu đô thị không dễ giải quyết một cách nhanh chóng", ông Lê Xuân Viên, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM, nêu vấn đề.
Ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư thường đến từ: tụ họp tiệc tùng gia đình, ăn nhậu vỉa hè, hát karaoke loa kẹo kéo, loa đài từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ như cửa hàng thời trang, nhà hàng, quán bar…
Tại buổi đối thoại, các khách mời đã cung cấp thông tin về tình hình kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm tiếng ồn đến từ sinh hoạt của người dân và xung quanh khu vực dân cư.
Ông Thái Hoàng Vũ, Phó chánh thanh tra Sở TNMT, cho biết, phần lớn người dân phản ánh thông qua cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin thành phố 1022 (chiếm tỷ lệ 88%), còn lại qua đường dây nóng về ô nhiễm tiếng ồn của Sở TNMT, các kênh mạng xã hội của chính quyền địa phương...
Theo thống kê từ cổng 1022 của Sở Thông tin và Truyền thông, 8 tháng đầu năm nay, đơn vị đã tiếp nhận 11.115 tin nhắn phản ánh về tiếng ồn (ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái 600 tin nhắn) và hầu hết đã được các cơ quan chức năng tích cực xử lý.
Cụ thể, trung bình các tin nhắn báo cáo tình trạng trên rơi vào cuối tuần cao hơn 1,4 lần so với các ngày trong tuần; vào buổi tối 18h-22h cao gấp 3,1 lần và từ 22h đến sáng nhiều hơn 1,5 lần so với khung giờ ban ngày.
"Qua số liệu này, cho thấy người dân thành phố ngày càng quan tâm về việc phản ánh, đồng thời địa phương cũng quan tâm xử lý hơn đến công tác kiểm tra và xử lý vi phạm", Phó chánh thanh tra Sở TNMT nhận định.
Đại diện Sở TNMT cũng cung cấp thông tin các mức xử lý vi phạm tiếng ồn ở TPHCM. Theo ông Thái Hoàng Vũ, việc xử phạt hành chính dựa trên cơ sở một số nghị định.
Trong đó, tại Nghị định 45 (7/7/2022) của Chính phủ có quy định rõ tại Điều 22 quy định xử phạt hành vi gây ồn từ cảnh cáo đến phạt hành chính 160-320 triệu đồng. Số tiền này sẽ tỷ lệ thuận với các mức độ gây ồn được đo bằng đơn vị decibel theo thiết bị của cơ quan chức năng.
Chi tiết hơn, đối với tiếng ồn cố định trong phạm vi cố định, không gian kín mà có thể đo đạc được: từ phạt cảnh cáo đến phạt tiền 160 triệu đồng với cá nhân; 320 triệu đồng với tổ chức, đồng thời cơ sở gây ồn sẽ bị đình chỉ hoạt động 3-6 tháng hoặc 6-12 tháng tùy mức độ ảnh hưởng đến địa phương.
Đối với hành vi gây ồn trong không gian mở, gồm 3 hành vi phổ biến: tụ tập nhiều người gây mất trật tự bị phạt 1-2 triệu đồng; gây ồn huyên náo trong khung giờ 22h-8h phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; hoặc dùng loa phóng thanh, chiêng trống, thổi kèn cổ động tại những nơi không cho phép sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng.
Ngoài các mức phạt trên, cơ quan chức năng cũng xử lý dựa trên các nghị định khác như xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa quảng cáo, giao thông đường bộ và đường sắt, kế hoạch đầu tư, thương mại , sản xuất buôn bán… trong khu dân cư.
Biện pháp tuyên truyền vẫn rất hiệu quả?
Để kéo giảm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đại diện Sở VHTT cho biết, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về tiếng ồn trong cộng đồng. Tại các khu phố, tuyến đường dân sinh được treo băng rôn, hình ảnh, tờ rơi, trình chiếu video trên màn hình led lớn, chung cư… để tuyên truyền.
Sở VHTT cũng ban hành bộ tài liệu về ứng xử văn hóa có các nội dung: trong đám hiếu hỷ cần hạn chế tối đa loa đài công suất lớn, khi tham gia giao thông thì hạn chế bấm còi không cần thiết, khi ở nơi công cộng thì không nên sử dụng loa ngoài điện thoại…
"Những hành vi văn minh của từng cá nhân sẽ góp phần hình thành văn hóa ứng xử cộng đồng, góp phần cùng thành phố giảm tình trạng ô nhiễm âm thanh", đại diện Sở VHTT chia sẻ.
Thượng tá Trần Văn Phước, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM, cho biết, công an cấp phường, xã được trực tiếp xử lý các vi phạm về tiếng ồn.
Tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra xử lý nghiêm các vấn đề trật tự xã hội phát ra tiếng ồn, gồm các hoạt động kinh doanh gây ồn ào, nhất là việc người dân sử dụng loa kẹo kéo, các loại thiết bị phát thanh công suất lớn để hát karaoke trong các khu dân cư.
Cũng trong buổi đối thoại, bà Đào Thị Mỹ Thư, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp thông tin, 9 tháng năm 2023 quận tiếp nhận hơn 700 tin báo phản ánh tiếng ồn, trong đó 333 tin liên quan đến tiếng ồn trong khu dân cư.
"Có nhiều tin phản ánh chưa chính xác. Có tin phản ánh sự vụ tức thời như tiệc của gia đình trong khu phố, khi lực lượng chức năng đến thì đã không còn. Có tin chính quyền đã giải quyết xong vẫn thấy gửi đi gửi lại nhiều lần.
Do đó, tôi lưu ý các đơn vị chức năng cần phân loại tính chất của tin phản ánh để có giải pháp xử lý phù hợp", bà Thư nêu ý kiến.
Lãnh đạo quận Gò Vấp nhấn mạnh, biện pháp tuyên truyền vẫn rất hiệu quả. Trước hết là ở góc độ người dân nhắc nhở nhau dựa trên tình làng nghĩa xóm, nếu diễn ra nhiều lần thì cơ quan chức năng mới xử lý và cần mạnh tay để không tái phạm.
Theo thống kê của Sở TNMT, trong năm 2022, cơ quan liên ngành đã kiểm tra và phát hiện 8.679 trường hợp vi phạm về tiếng ồn trong đô thị, trong đó nhắc nhở hơn 8.500 trường hợp và xử phạt 135 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 420 triệu đồng.
Từ tháng 11/2022 đến tháng 8/2023, thanh tra Sở VHTT cùng các đoàn liên ngành đã kiểm tra 72 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa xã hội (karaoke, quán bar, vũ trường…), xử phạt hành chính gần 1,6 tỷ đồng.
Để phản ánh về vấn đề tiếng ồn, người dân TPHCM có thể liên hệ qua đường dây nóng về ô nhiễm tiếng ồn của Sở Tài nguyên và Môi trường: 028.38290568; hoặc cổng 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin thành phố.