Vì sao thể thao Việt Nam thua xa Thái Lan ở Asiad 19?
Các môn thể thao khác - Ngày đăng : 12:07, 30/09/2023
Tính đến 11h00 ngày 30/9, đoàn thể thao Việt Nam giành 1 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc (HCB), 12 huy chương đồng (HCĐ) tạm thời xếp thứ 15 châu Á ở Asiad 19 tại Trung Quốc.
Nếu không có tấm HCV bất ngờ của Phạm Quang Huy ở nội dung 10m súng ngắn hơi cá nhân nam môn bắn súng, chúng ta vẫn đang ở nhóm cuối trên bảng xếp hạng huy chương.
Trong khi đó, đoàn thể thao Thái Lan đã giành 8 HCV, 3 HCB, 9 HCĐ và tạm thời xếp thứ 5 Asiad 19. Đoàn Indonesia cũng đã giành 3 HCV, 3 HCB, 10 HCĐ, xếp thứ 12 châu Á; Singapore với 2 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ, xếp thứ 13 châu Á; Malaysia với 2 HCV, 3 HCB, 8 HCĐ, xếp thứ 14 châu Á.
Những chiếc HCV của Thái Lan ở Asiad 19 đến từ môn đua thuyền là bất ngờ nhất. Ở Asiad 18, họ chỉ có 3 HCĐ nhưng đến lần này, người Thái đã đổi màu huy chương thành 3 chiếc HCV. Ngoài ra, Thái Lan còn có thêm 2 HCB, 2 HCĐ ở môn thể thao này.
Thái Lan vẫn giữ được 2 HCV taekwondo như Asiad 18, trong đó vẫn duy trì sự thống trị ở hạng cân sở trường 49kg nữ của nhà vô địch Olympic Panipak Wongpattanakit. Taekwondo Thái Lan cũng giành HCV hạng cân 63kg nam của Tubtimdang Banlung ở nội dung poomsae đồng đội nữ.
Bên cạnh đó ở môn cầu mây, thể thao Thái Lan đã bảo vệ được 2 tấm HCV ở nội dung Regu đồng đội nam và Regu đồng đội nữ trong số 4 HCV tại Asiad 18.
Về phía Indonesia, xạ thủ Putra Muhammad Sejahtera Dwi giành 2 HCV bắn súng nội dung 10m bia di động cá nhân nam và 10m súng trường hơi bia di động hỗn hợp nam cho Indonesia.
Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất diễn ra tại Campuchia, đoàn thể thao Việt Nam dẫn đầu khu vực. Cụ thể, tại SEA Games 31 năm 2022, với lợi thế chủ nhà, Việt Nam không chỉ áp đảo trên bảng tổng sắp huy chương (205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ) mà còn lập kỷ lục về số lượng HCV giành được trong một kỳ đại hội.
Đứng thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 31 là Đoàn Thể thao Thái Lan với 92 HCV, 103 HCB, 136 HCĐ. Vị trí thứ ba thuộc về Đoàn Thể thao Indonesia với 69 HCV, 91 HCB, 81 HCĐ.
Một năm sau, tại SEA Games 32 năm 2023, thể thao Việt Nam tiếp tục xếp số một Đông Nam Á, giành đến 136 HCV, trong khi Thái Lan chỉ có 108 HCV.
Không phải chờ tới ngôi nhất toàn đoàn ở hai kỳ SEA Games vừa qua, mà từ lâu nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc thể thao Việt Nam chạy theo thành tích ở khu vực nhưng lại "ngụp lặn" ở đấu trường Asiad hay Olympic.
Trong khi các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore… bỏ dần các môn "ao làng" thì Việt Nam vẫn có sự đầu tư dàn trải thay vì trọng điểm. Có những môn như lặn, dù chưa thi đấu đã biết chắc không có đối thủ ở sân chơi SEA Games.
Ngoài ra, nhiều môn ở nhóm 3 (không nằm trong chương trình thi đấu của Asiad hay Olympic), vẫn được giao nhiệm vụ tranh huy chương khu vực nhằm đảm bảo cho vị trí ở nhóm đầu SEA Games.
Trở lại sân chơi Asiad 19, lấy Thái Lan là một ví dụ cụ thể, quốc gia này xếp sau Việt Nam ở SEA Games nhưng hiện có số HCV gấp 8 lần, thậm chí còn cao hơn nữa khi Á vận hội còn khoảng một tuần nữa mới kết thúc.
Không chỉ hơn về số lượng, Thái Lan cũng hơn đứt Việt Nam về chất lượng, với 2 HCV taekwondo, 3 HCV đua thuyền, cầu mây… Điều đáng nói, thành tích của Thái Lan đều nằm trong kế hoạch, tức là họ có sự đầu tư bài bản, trọng điểm và luôn tự tin tranh tài ở những sân chơi lớn như Asiad hay Olympic.
Có ý kiến cho rằng ngành thể thao Việt Nam đang gặp khó khăn bởi kinh phí hạn hẹp, khoảng 800-900 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này được chi trả cho rất nhiều các hoạt động tập luyện, tập huấn, thi đấu, ăn uống, thuốc, trị liệu hồi phục, thuê chuyên gia nước ngoài… của hàng nghìn HLV, VĐV, bao gồm cả VĐV trẻ.
Khó càng thêm khó khi mới đây Tổng cục Thể dục thể thao bị "xuống cấp" thành Cục Thể dục thể thao, khiến các hoạt động của thể thao nói chung, vấn đề kêu gọi tài trợ, tổ chức các giải đấu càng trở nên hạn chế.
Thực tế, kinh phí chỉ là một phần của nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam đang thụt lùi so với Thái Lan và một số quốc gia khác khi tranh tài ở các sân chơi lớn.
Muốn thể thao phát triển, chúng ta cần quan tâm một cách nghiêm túc từ thể thao học đường, xã hội hóa thể thao để có nguồn lực đầu tư, định hướng phát triển các môn trọng điểm… Đây là những vấn đề không hề mới, nhưng để giải quyết được lại rất khó.