Chuyên gia phản đối Hà Nội có thêm sân bay thứ hai
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:01, 29/09/2023
Ngày 29/9, Đảng ủy Khối các trường Đại học và Cao đẳng Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo định hướng quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong bài tham luận gửi đến hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội) và TS Đỗ Xuân Trọng (Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội) nêu quan điểm về phương hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn của thủ đô.
Trong đó, nhóm chuyên gia dẫn nội dung về phương án nghiên cứu việc xây dựng sân bay thứ hai cho vùng thủ đô và cho rằng việc xây dựng thêm các sân bay là cần thiết.
"Tuy nhiên, việc quy hoạch sân bay và xây dựng sân bay cần được nhìn nhận đánh giá trên bình diện chung của cả vùng miền, của các tỉnh, thành phố chứ không thể chỉ nhìn nhận mỗi trong phạm vi thủ đô", hai chuyên gia đưa ra nhận định.
Cụ thể, TS Chu Mạnh Hùng và TS Đỗ Xuân Trọng thống nhất quan điểm quá trình xây dựng sân bay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiện trạng sử dụng đất cũng như thay đổi quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… Bởi sân bay cần diện tích rộng lớn, chiều cao các công trình khu vực kế cận bị hạn chế.
Hơn nữa, nguồn lực để xây dựng sân bay cũng rất lớn trong khi hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng hiện đại cho thủ đô còn hạn chế.
Nhóm chuyên gia của trường Đại học Luật cho rằng Hà Nội không nên xây dựng sân bay thứ hai cho vùng thủ đô mà chỉ duy trì một sân bay Nội Bài. Từ đó quy hoạch theo hướng tập trung, mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế này.
Bên cạnh đó, nguồn lực để xây dựng sân bay nên dành cho việc phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, cao tốc, xe buýt… Các chuyên gia cho rằng hệ thống này sẽ giúp kết nối Hà Nội tới tận những vùng ngoại thành và các địa phương khác trong cả nước.
Việc này cũng giảm áp lực về nhu cầu nhà ở cho người dân tại khu đô thị, đồng thời giảm thiểu tình trạng tắc đường và ô nhiễm của thủ đô khi người dân sử dụng các phương tiện công cộng thay vì sử dụng các phương tiện chủ yếu là xe máy như hiện nay.
Xác định rõ thế mạnh của Hà Nội
Cùng đề cập đến nội dung trên nhưng có góc nhìn khác, PGS Phạm Tuấn Anh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, cho rằng Hà Nội cần thiết phải có thêm sân bay thứ hai.
Theo ông Tuấn Anh, quan điểm xây dựng Hà Nội là trung tâm hội nhập quốc tế, thành phố kết nối toàn cầu cần dựa trên nền tảng kết nối giao thông, du lịch và trung tâm tài chính, văn hóa. Trong đó cần xác định rõ thế mạnh của Hà Nội khi muốn trở thành trung tâm hội nhập.
Chuyên gia cho rằng việc kết nối quốc tế hiện vẫn thông qua sân bay quốc tế Nội Bài, trong khi trục Nhật Tân - Nội Bài bắt đầu quá tải. Ông lo ngại trong tương lai, nếu phát triển quá nhiều khu vực đô thị, hành chính dọc theo trục này về phía bên kia sông Hồng, thành phố có thể gặp khó khăn khi kết nối giữa khu vực sân bay về nội đô.
"Cũng giống như TPHCM hay Tokyo (Nhật Bản), việc sớm muộn phải phát triển thêm một sân bay giảm tải cho Nội Bài sẽ là bài toán cần đặt ra trong thời gian ngắn", theo PGS Phạm Tuấn Anh.
Chuyên gia cũng cho rằng cùng với việc phát triển 5 trục không gian, Hà Nội cần chú trọng thêm lưu thông đường thủy dọc theo sông Hồng và phát triển du lịch, tham quan dạng tuyến, logistics dọc theo sông Hồng để tận dụng được giá trị do quy hoạch mang lại.
Theo ông Tuấn Anh, các thành phố vệ tinh như thành phố tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) cần được chú trọng hơn về quy hoạch kết nối để đảm bảo giao thông thông suốt và đạt được mục tiêu giãn dân trong nội đô.
Hiện quỹ đất dành cho hệ thống giao thông kết nối các khu vực không còn nhiều. Do đó, chuyên gia nêu quan điểm nếu chỉ chú trọng phát triển đô thị mà không lưu tâm đến kết nối thì khó đảm bảo được mục tiêu đề ra khi các khu thành phố vệ tinh hỗ trợ tốt cho khu vực trung tâm.