Cát Tường xin lỗi vì quảng cáo gian dối và lời cảnh tỉnh với nghệ sĩ Việt

Showbiz - Ngày đăng : 12:12, 28/09/2023

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh đây không chỉ là bài học đối với nghệ sĩ Cát Tường mà còn là lời cảnh tỉnh dành cho người nổi tiếng trong việc phải luôn ý thức được các phát ngôn của mình trước công chúng để tránh gây những ảnh hưởng tiêu cực.

Ngày 24/9, trong cuộc gặp gỡ truyền thông, MC Cát Tường thừa nhận quảng cáo lố, thổi phồng công dụng của sản phẩm gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Sản phẩm sữa được cô quảng cáo có thể điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường, không khác gì tiên dược. Điều này khiến khán giả phản ứng dữ dội.

Cát Tường khẳng định cô sẵn sàng gặp mặt xin lỗi những khách hàng bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sữa, chịu phần nào thiệt thòi của họ.

Nữ MC cho rằng đây là scandal lớn nhất trong suốt 30 năm sự nghiệp và gửi lời xin lỗi khán giả, mong được tha thứ.

Bài học với Cát Tường và lời cảnh tỉnh cho người nổi tiếng

Chia sẻ về câu chuyện này với Tiền Phong, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh nhấn mạnh đây không chỉ là bài học với nghệ sĩ Cát Tường mà còn là lời cảnh tỉnh dành cho người nổi tiếng trong việc phải luôn ý thức được các phát ngôn của mình trước công chúng để tránh gây những ảnh hưởng tiêu cực.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết thời gian qua nhiều nghệ sĩ Việt dính ồn ào quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật.

Về vấn đề trên, luật sư nói theo Khoản 9 Điều 8 Luật quảng cáo 2012, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố là hành vi bị cấm.

“Gần đây nhất là sự việc MC Cát Tường lên tiếng xin lỗi vì đã quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, thổi phồng chức năng sản phẩm, đồng thời cho biết sẵn sàng chịu trách nhiệm bù đắp phần nào thiệt thòi của khách hàng. Đây là điều cần phải ghi nhận vì nữ nghệ sĩ đã dũng cảm và chân thành nhận lỗi. Cách ứng xử này không phải người nào cũng làm được”, luật sư Giang Hồng Thanh nói.

Theo luật sư, về mặt pháp lý, Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa.

Ngoài ra còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và buộc cải chính thông tin. Tuy nhiên tùy vào sản phẩm quảng cáo mà sẽ áp dụng các điều khoản xử phạt và mức phạt khác nhau, ví dụ quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

“Tôi cho rằng chế tài hành chính như vậy đã đủ sức răn đe, bởi lẽ ngoài việc mức phạt tiền tương đối cao so với mặt bằng chung của xã hội thì người vi phạm nếu tái phạm còn có thể bị xử lý hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự”, luật sư Giang Hồng Thanh cho hay.

Cát Tường xin lỗi vì quảng cáo gian dối và lời cảnh tỉnh với nghệ sĩ Việt-1
Sau họp báo xin lỗi, Cát Tường chia sẻ trên trang cá nhân: “Ngã một lần là đau ngàn đời, tiếng thơm thì ít ai biết nhưng tiếng xấu sẽ truyền xa. Đây là bài học xương máu để bản thân gặm nhấm”.

Danh tiếng và trách nhiệm của nghệ sĩ

Theo quan điểm của Luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, với trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm bằng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, cá nhân nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi quảng cáo của mình.

Nếu quảng cáo sai sự thật, ngoài việc công khai xin lỗi, đính chính thông tin về sản phẩm để người tiêu dùng nắm được họ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định pháp luật.

Thực tế, các nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm thường nhận được sự quan tâm, tin tưởng của nhiều người bởi sự nổi tiếng của họ. Tuy nhiên, trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sản phẩm có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của chính nghệ sĩ đó mà còn gây phản cảm và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng có thể bị lừa dối và mua sản phẩm không đáng giá hoặc không đáp ứng được những mong đợi ban đầu thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người sử dụng sản phẩm. Điều này không chỉ gây thất vọng mà còn gây mất lòng tin và sự không tin tưởng vào các nghệ sĩ và thương hiệu quảng cáo.

"Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý và tổ chức quảng cáo. Nghệ sĩ quảng cáo cần tuân thủ các quy định và nguyên tắc quảng cáo, đảm bảo rằng thông tin được cung cấp là chính xác và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần có sự nhạy bén và tự bảo vệ bản thân bằng cách nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng", luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.

Bộ sẽ xử phạt nếu phát hiện vi phạm cụ thể

Chia sẻ với Tiền Phong, ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết việc Cát Tường xin lỗi là quyền cá nhân của nghệ sĩ. Về phía Bộ VHTTDL sẽ áp dụng xử phạt nếu phát hiện và xác định được nội dung, hành vi vi phạm cụ thể, đầy đủ hoặc thông qua phản ánh của báo chí.

Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh trong thời gian đương nhiệm chưa nhận được bất kỳ đơn thư phản ánh nào về việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Ông lưu ý nếu nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng, trách nhiệm trước hết thuộc về quản lý của Bộ Y tế. Đây là đơn vị trực tiếp kiểm định và xử phạt nếu phát hiện sai phạm.

“Chúng tôi đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó có nội dung nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.

Bộ VHTTDL thường xuyên nhắc nhở nghệ sĩ tuân thủ quy tắc cũng như ứng xử chuẩn mực trong mọi hoạt động. Nếu có sai phạm sẽ áp dụng xử phạt theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo”, ông Lê Thanh Liêm nói.

Cách đây ít ngày, trong công văn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lâm Đồng, Bộ VHTTDL khẳng định sẽ có chế tài xử lý với các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai lệch do nghệ sĩ thực hiện.

"Tuy nhiên, để xác định cụ thể trách nhiệm của nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo, cần phải căn cứ vào từng trường hợp, mối quan hệ giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo với người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (tự thực hiện hoặc được thuê), từ đó áp dụng các chế tài xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật", công văn trả lời kiến nghị cử tri nêu rõ.

Cuối tháng 7, Bộ VHTTDL có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng luật Quảng cáo sửa đổi có đề xuất bổ sung một số điều, như quy định người truyền tải quảng cáo có tầm ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa dịch vụ trên mạng xã hội thì phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm đó.

Việc này nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hơn đối với chủ thể này khi tham gia hoạt động quảng cáo, phát huy lợi thế về sức ảnh hưởng tích cực đồng thời và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến xã hội.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng quy trình, xử phạt. Theo đó, các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai phạm ngoài xử phạt tài chính thì có thể bị khóa tài khoản mạng xã hội, hạn chế hình ảnh trên các phương tiện truyền thông.

Thời gian vừa qua, nhiều nghệ sĩ Việt vướng ồn ào quảng cáo sai sự thật. NSND Hồng Vân từng xin lỗi khán giả vì quảng cáo một viên sủi thảo dược có tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, sản phẩm này đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo.

Hồi tháng 5, Dương Cẩm Lynh bị phản ứng vì quảng cáo sai sự thật về sữa non canxi xuất xứ Hàn Quốc. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Đức Thịnh, Ưng Hoàng Phúc, Ngân Quỳnh, Mỹ Uyên, Hoàng Sơn, Hoàng Mập... từng xuất hiện trong clip quảng cáo liệu trình “siêu giảm béo” sai sự thật của một phòng khám tại TP.HCM.

Cách đây không lâu, fanpage chính thức của nhiều người nổi tiếng như Kiều Minh Tuấn, Khả Như, Lê Dương Bảo Lâm... đăng bài quảng cáo với từ khóa "DOGE" (viết tắt của Dogecoin, một loại tiền ảo), có nội dung giống nhau. Tuy nhiên, khi bị dư luận lên án, những bài viết này đồng loạt ẩn đi mà không một lời giải thích.

Luật sư Trương Anh Tú đề xuất để xử lý và hạn chế tình trạng quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng cần áp dụng một số biện pháp như sau:
- Xác định rõ danh tính của người quảng cáo trực tuyến và các sản phẩm quảng cáo trực tuyến hoặc trách nhiệm liên đới trong trường hợp các bên biết rõ nhưng vẫn cố tình vi phạm.
- Cần phát huy hiệu quả của Luật An ninh mạng và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát quảng cáo trực tuyến. Quản lý trên môi trường Internet không đơn giản khi nhà quản lý luôn phải cân nhắc giữa việc đảm bảo quyền riêng tư của các cá nhân, tổ chức nhưng cũng phải đảm bảo trật tự quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của việc kiểm soát quảng cáo trực tuyến, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản nhà nước và có sự phối hợp giữa các bộ như Bộ công thương - Bộ thông tin và truyền thông - Bộ Công an và cơ quan quản lý ở địa phương để tăng cường kiểm soát các hoạt động quảng cáo trên các trang mạng.
- Về biện pháp xử phạt hành chính (phạt tiền) hiện nay còn nhẹ, chưa đủ nghiêm khắc, chưa đủ răn đe, do đó cần nâng cao mức xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến. Có như vậy mới hạn chế được phần nào tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, thổi phồng chức năng của sản phẩm như hiện nay.

Theo Tiền Phong