Dự án xây 100 biệt thự gây ảnh hưởng lớn ra sao đến Vườn Quốc gia Núi Chúa?
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:54, 28/09/2023
Hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm cần được bảo tồn
Như VietNamNet đã thông tin, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận quy mô 64,65ha đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng đánh giá tác động môi trường. Chủ đầu tư dự án này là CTCP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (Công ty Syrena Việt Nam), thành viên của Tập đoàn BIM.
Vấn đề được dư luận quan tâm là dự án này nằm trong Vườn Quốc gia (VQG) Núi Chúa, vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa đã được UNESCO công nhận.
Đáng chú ý, dự án có tổng diện tích 64,65ha, trong đó phần lớn là đất quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích 64,17ha và 0,48ha đất mặt nước quy hoạch Khu bảo tồn Biển VQG Núi Chúa.
Để triển khai xây dựng 100 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án, chủ đầu tư sẽ phải “dọn dẹp, phát quang” gần 12ha diện tích rừng đặc dụng, gồm 10,6ha rừng tự nhiên và 0,98ha rừng trồng.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc triển khai dự án nghỉ dưỡng này sẽ tác động đến hàng loạt khu vực nhạy cảm cũng như hệ sinh thái động, thực vật của VQG Núi Chúa.
Cụ thể, khu đất dự án nằm trong phân khu dịch vụ - hành chính của VQG Núi Chúa, cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 50m về phía Bắc; cách dự án 100m về phía Tây là Vịnh Vĩnh Hy, là nơi trú ngụ và tránh bão của dân chài;
Cách dự án 100m về phía Đông Bắc có nghĩa trang của người dân xã Vĩnh Hải mới quy hoạch; cách dự án 700m về phía Tây là Đồn Biên phòng Vĩnh Hy.
Về hiện trạng tài nguyên sinh vật, báo cáo của nhóm chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện tháng 11/2021 ghi nhận, VQG Núi Chúa có hơn 1.800 loài thực vật bậc cao. Trong đó, có 96 loài thực vật quý hiếm ở các mức độ đe doạ khác nhau cần được bảo tồn.
Đối với động vật trên cạn, VQG Núi Chúa và lân cận dự án có 266 loài chim với 6 loài quý hiếm; 79 loài thú với 26 loài quý hiếm; 99 loài lưỡng cư – bò sát, trong đó có 22 loài quý hiếm; 609 loài và dạng loài côn trùng; 333 loài san hô…
Đặc biệt, VQG Núi Chúa được xem là nơi duy nhất trong đất liền của Việt Nam có rùa biển vào đẻ trứng. Hơn 3km bờ biển kéo dài từ bãi Ngang đến đảo Móng Tay ở thôn Thái An là nơi có quần thể rùa biển lên đẻ trứng. Đây là địa điểm đang được bảo tồn nghiêm ngặt.
Quá trình triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, của chủ đầu tư sẽ phải phát quang, di dời và chặt hạ 9.326 cây, tương đương trữ lượng 271,911m3 gỗ. Trong đó có những cây gỗ cao hơn 20m như Xoan nhừ, Vàng anh, Lá khét…
Dự án nghỉ dưỡng không nên xâm phạm Vườn Quốc gia
Trao đổi với PV VietNamNet, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho hay VQG Núi Chúa là 1 trong 34 VQG của Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái rất đặc biệt vì nằm ở cực Nam của đất nước, khí hậu khác miền Bắc và miền Trung. Do đó, các loài động, thực vật tại đây có vai trò quan trọng đối với chức năng hệ sinh thái của khu vực.
Đặc biệt, VQG Núi Chúa còn có hệ sinh thái núi đá và hệ sinh thái ven biển cực kỳ quan trọng đối với môi trường, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo GS.TS Đặng Huy Huỳnh, VQG Núi Chúa góp phần vào chiến lược phát triển đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm và các loài đặc hữu của đất nước. Bảo vệ VQG Núi Chúa cũng là một phần của cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ giảm lượng phát thải nhà kính xuống bằng 0.
“Chính vì thế, việc xây dựng dự án 100 biệt thự nghỉ dưỡng tại VQG Núi Chúa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nhất là ảnh hưởng đến những cam kết quốc tế về các vấn đề biến đổi khí hậu”, GS.TS Huỳnh nói.
Về việc chủ đầu dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy sẽ khai thác 12ha rừng để xây dựng 100 biệt thự, GS.TS Huỳnh cho rằng không nên triển khai dự án bên trong VQG Núi Chúa.
"So với tổng diện tích VQG, 12ha rừng không lớn nhưng các hoạt động của dự án này sẽ có tác động đến môi trường VQG Núi Chúa.
Nếu nghiêm túc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng thì không nên xâm phạm các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Cá nhân tôi không đồng ý với việc triển khai dự án xây dựng 100 biệt thự nghỉ dưỡng trong VQG Núi Chúa”, GS.TS Huỳnh bày tỏ.
Xây biệt thự phải xin chuyển mục đích sử dụng 11,58ha rừng đặc dụng
Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy toạ lạc tại thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150, phân khu hành chính – dịch vụ của VQG Núi Chúa.
Dự án có tổng diện tích 64,65ha, giảm khoảng 4ha so với quy hoạch đã phê duyệt năm 2017. Phần lớn là đất quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích 64,17ha và 0,48ha đất mặt nước quy hoạch Khu bảo tồn Biển VQG Núi Chúa.
Kết quả kiểm kê hiện trạng rừng và đất rừng tại dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận công bố tháng 3/2022, trong 12,9ha Công ty Syrena Việt Nam đề nghị thẩm định thì có 11,58ha rừng quy hoạch rừng đặc dụng.
Để triển khai dự án, Công ty Syrena Việt Nam sẽ phải thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 11,58ha rừng nói trên.
Căn cứ theo Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng này.
Trước đó, tháng 10/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững VQG Núi Chúa đến năm 2030.
Trong đó, mục tiêu là bảo vệ nguyên vẹn diện tích 18.872,62ha rừng hiện có, tiếp tục duy trì độ che phủ rừng đến năm 2030 là 79,6%. Bảo tồn tài nguyên động, thực vật, đặc biệt 62 loài thực vật và 46 loài động vật quý hiếm, bị đe doạ nguy cấp. Không thực hiện hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
Trong khi đó, Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại VQG Núi Chúa được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt vào tháng 10/2020, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy thuộc phân khu dịch vụ hành chính của rừng đặc dụng, là 1 trong 11 khu vực cho thuê môi trường rừng.
Một trong những nguyên tắc khi xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại khu rừng đặc dụng là “chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi”.