Nhật Bản mong muốn cạnh tranh với Hàn Quốc trong lĩnh vực âm nhạc
Văn hoá - Giải trí - Ngày đăng : 18:15, 27/09/2023
Mới đây, tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nhật Bản tiết lộ về kế hoạch tổ chức một lễ trao giải âm nhạc có quy mô lớn như Grammy phiên bản châu Á, nhằm quảng bá nền âm nhạc nước nhà trên toàn cầu.
"Thị trường âm nhạc nội địa của Nhật Bản khá lớn, nên năng lực tiến ra nước ngoài cũng ít hơn so với Hàn Quốc. Nhìn vào thời điểm hiện tại, các nhóm nhạc K-pop tiêu biểu như BTS hay BlackPink đều đang dẫn đầu trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu. Trong khi đó, các nghệ sĩ J-pop lại chỉ hoạt động ở thị trường nội địa. Vì vậy, việc tổ chức một lễ trao giải âm nhạc quy mô lớn sẽ thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, là cơ hội vàng để đưa ca sĩ Nhật Bản đến gần hơn với bạn bè quốc tế."- Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nhật Bản chia sẻ.
Trước thông tin này, đông đảo người hâm mộ đất nước mặt trời mọc đều rất phấn khích bởi sự cấp tiến của Nhật Bản trong âm nhạc. Bởi lẽ dù không quảng bá rầm rộ như K-pop, nhưng số lượng fan của J-pop cũng không kém hơn là bao.
Nhiều người cho rằng, dù chỉ hoạt động mạnh mẽ trong nước, nhưng nhạc Nhật vẫn thu hút lượng lớn khán thính giả bởi chất lượng của nó. Trong rất nhiều năm "khép kín", J-pop vẫn nằm trong top 3 thị trường âm nhạc được yêu thích nhất trên thế giới.
Điều này được thể hiện rõ nét khi các bộ phim hoạt hình anime Nhật Bản được công chúng đón nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Ngoài nội dung lôi cuốn, mới lạ và hình ảnh đẹp mắt, các ca khúc trong mỗi bộ phim cũng đều chứa đựng những thông điệp vô cùng ý nghĩa.
Không ít người còn nhận định, J-pop hoàn toàn có khả năng xứng tầm với K-pop khi xét về ba yếu tố đó là giai điệu, visual và giọng hát. Trong khi K-pop đang ngày càng hướng đến việc kết hợp với EDM để tạo ra các ca khúc có tiết tấu sôi động và mạnh mẽ, thì J-pop lại mang giai điệu vui tươi, trẻ trung và cực kỳ sâu lắng.
Ngoài ra, âm nhạc K-pop ngày nay dường như chú trọng quá nhiều đến hình ảnh, vũ đạo, lạm dụng Auto-Tune, dẫn đến chất lượng truyền tải cũng bị giảm sút rõ rệt. Ngược lại, J-pop lại thường xuyên tập trung vào kỹ năng hát, vì vậy, dễ dàng mang đến những cảm xúc chân thật cho người nghe. Một số các nghệ sĩ Nhật Bản điển hình có màn hát live ấn tượng như LiSA, Fujii Kaze, Yoasobi hay Kenshi Yonezu đều sở hữu chất giọng nội lực, không kém phần sâu lắng, khiến ai nấy đều phải sửng sốt mỗi khi họ cất giọng.
Về phần visual, đông đảo cư dân mạng đều bày tỏ, nét đẹp của nghệ sĩ Nhật Bản không hề thua kém nghệ sĩ Hàn Quốc. Nếu Kpop tượng trưng cho nét đẹp hiện đại, sắc sảo và phá cách, thì Nhật Bản lại có vibe mộc mạc, nhẹ nhàng và mang hơi hướng cổ điển.
Nhìn chung, mỗi một đất nước đều sở hữu một vẻ đặc trưng và riêng biệt. Sự cạnh tranh giữa các thị trường âm nhạc trên thế giới cũng sẽ mang đến nhưng khía cạnh đa dạng, muôn màu cho ngành công nghiệp giải trí trong tương lai.