Điểm tin kinh doanh 28/9: Giá vàng tiếp tục giảm sâu

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 28/09/2023

Một hãng bay Việt liên tục nợ lương, 30 phi công nghỉ việc; Hơn 21% dự án đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc
gia-vang-14-7.jpg

- Giá vàng tiếp tục giảm sâu

Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 27/9, thị trường vàng trong nước và thế giới tiếp tục giảm mạnh, trượt mốc 69 triệu đồng/lượng.

Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 68,1 triệu đồng/lượng mua vào và 68,82 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP HCM, giá vàng SJC ngày 27/9 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. Như vậy, so với hôm 26/9, giá vàng SJC đã được chiều chỉnh giảm 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.

Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang là 68,1 triệu đồng/lượng mua vào và 68,9 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng Doji ngày 27/9 ở TP HCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội. Như vậy, so với hôm 26/9, giá vàng Doji giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với hôm 26/9.

Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 68,1 triệu đồng/lượng mua vào và 68,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán so với hôm 26/9..

Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 68,12 triệu đồng mua vào, 68,73 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 27/9, đồng loạt giảm mạnh ở một số thương hiệu vàng.

Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến trưa 27/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 27/9 tiếp đà giảm với vàng giao ngay giảm 14,9 USD xuống còn 1.900,9 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.919,8 USD/ounce, giảm 16,8 USD so với rạng sáng qua.

Thị trường vàng đang giao dịch gần mức thấp nhất trong 5 tuần khi đồng USD và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm củng cố ở mức cao. Mặc dù giá vàng liên tiếp giảm, chuyên gia Joy Yang của MarketVector Indexes vẫn cho rằng, vàng vẫn đang được hỗ trợ tốt nhờ vai trò là tài sản trú ẩn an toàn thiết yếu.

Dự báo về xu hướng giá vàng, chuyên gia Joy Yang nói rằng, dù vàng hoạt động mờ nhạt trong thời gian qua, nhưng bà không thấy bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của vàng so với thời điểm đầu năm.

Các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, quan điểm "diều hâu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp chính sách tiền tệ mới đây sẽ tiếp tục là chất xúc tác đẩy lợi suất trái phiếu và đồng USD lên cao, gây áp lực lớn lên kim loại quý.

Trong khi đó, nhìn về dài hạn, quan điểm lạc quan về vàng vẫn được giữ vững. Trong báo cáo triển vọng mới đây của mình, Ngân hàng Socíeté Générale của Pháp cho rằng, họ vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với kim loại quý do lạm phát vẫn tăng cao trong bối cảnh Fed có kế hoạch chấm dứt chu kỳ thắt chặt. Bất chấp hoạt động mờ nhạt của vàng trong suốt mùa hè, SocGen vẫn lạc quan rằng giá có thể quay trở lại mức 2.000 USD/ounce.

Với giá vàng trong nước tiếp tục giảm và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.900,3 USD/ounce (tương đương gần 56,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng ngày 27/9 tại thị trường vàng trong nước và thế giới là trên 12 triệu đồng/lượng.

- Một hãng bay Việt liên tục nợ lương, 30 phi công nghỉ việc

Theo Reuters, khoảng 10% lượng phi công của thương hiệu Bamboo Airways đã rời hãng sau sự chậm trễ trong việc nhận lương.

Theo nguồn tin của Reuters, có tới 30 phi công đã rời Bamboo Airways (Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) trong hai tháng qua sau khi bị chậm lương.

Cụ thể, tin nhắn ngày 21/8 từ đại diện Bamboo Airways nói với các phi công nước ngoài rằng họ sẽ nhận được 35% tiền lương tháng vào ngày hôm đó sau khi đã quá hạn một tuần. Sau đó, phần còn lại đã được thanh toán đầy đủ.

Dù nhân viên tại Bamboo Airways đã có tiền lệ trong việc chậm lương, nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề này ảnh hưởng đến các phi công nước ngoài. Đến nay, họ tiếp tục chưa nhận được lương cho tháng 8 vốn đến hạn vào ngày 15/9.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2019, Bamboo Airways có chặng đường không hề dễ dàng. Các hạn chế đi lại của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch nằm trong số những quốc gia quy định nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Do đó, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với thương hiệu giá rẻ VietJet đang mở rộng nhanh chóng. Năm ngoái, Bamboo Airways lỗ 17,6 nghìn tỷ đồng (722 triệu USD).

- Bay quốc tế phục hồi mạnh, trừ 2 thị trường

Sản lượng hành khách thông qua các sân bay trên cả nước trong 9 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ năm trước

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng hành khách thông qua các sân bay 9 tháng đầu năm là 89 triệu khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt 23,7 triệu khách, tăng 266,8% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 65,2 triệu khách, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các Cảng hàng không là 887,5 ngàn tấn, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: quốc tế: 637 ngàn tấn, giảm 24,0% so với cùng kỳ năm 2022; nội địa: 250,4 ngàn tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022.

- ADB: Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước đạt 5,8% năm 2023

Chủ động đưa ra những biện pháp ứng phó cần thiết và phù hợp với những biến động khu vực và thế giới. Đây là động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 5.8% trong năm nay. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong buổi họp báo Cập nhật Triển vọng kinh tế Việt Nam diễn ra sáng nay 27/9, tại Hà Nội.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay bất ngờ chững lại so với đà tăng trưởng tích cực của năm ngoái. Dự báo tăng trưởng 2023 được điều chỉnh ở mức 5,8% và dự báo đạt 6% vào năm 2024.

Lý giải về nguyên nhân này, ngân hàng châu Á ADB cho rằng, tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng là tình hình chung của cả khu vực và thế giới, do chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước phát triển, bất ổn chính trị ở nhiều khu vực,... GDP của Việt Nam vẫn tăng do chỉ số về dịch vụ và các hoạt động liên quan đến dịch vụ vẫn trên đà tăng. Trước những thách thức này, ADB nhận định, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ứng phó bằng các biện pháp cần thiết, phù hợp, với chính sách tài chính tiền tệ, điều chỉnh giảm lãi suất hợp lý.

“Tăng trưởng kinh tế có khả năng phục hồi trong bối cảnh nhiều thách thức. Do đó, triển vọng tương đối lạc quan. Kinh tế vẫn phát triển trong quãng 5,8-6%. Nhưng cần thận trọng trước những rủi ro hiện hữu. Các yếu tố nội tại và chính sách chủ động sẽ là nền tảng cơ bản để tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tốc độ thực hiện đầu tư công của chính phủ sẽ ảnh hưởng tương đối nhiều. Đầu tư công sẽ tạo hoạt động kinh tế sôi động, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng tốt hơn cho phát triển trung và dài hạn”, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết.

- Hơn 21% dự án đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), các đối tác Trung Quốc hiện đầu tư 2,92 tỷ USD vào Việt Nam, dẫn đầu về số dự án FDI tại Việt Nam.

Tính đến 20-9-2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó có 2.254 dự án đầu tư mới, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD (tăng 43,6%so với cùng kỳ);

934 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 21,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 5,15 tỷ USD (giảm 37,3% so với cùng kỳ; Có 2.539 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD (tăng 47% so với cùng kỳ).

Cả nước có 38.379 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 455,06 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 289,9tỷ USD, bằng 63,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 15,9tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,9 điểm phần trăm so với 8 tháng đầu năm.

Việt Báo (Tổng hợp)