Những chuyến bay đêm của Thủ tướng trong hành trình từ Bắc Mỹ tới Nam Mỹ
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 07:17, 27/09/2023
Kết thúc hành trình 10 ngày công du Mỹ và Brazil, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu về tới sân bay Nội Bài vào sáng 27/9.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc thành công chuyến công tác tới Mỹ tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 và các hoạt động song phương (từ ngày 17/9 đến 23/9), thăm chính thức Brazil từ ngày 23/9 đến 26/9.
Chuyến đi nhằm cụ thể hóa, triển khai những thỏa thuận trong tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil và quan hệ Việt Nam - Liên Hợp Quốc. Việc này cũng nhằm góp phần nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút thêm các nguồn lực để phát triển đất nước.
Với các hoạt động dày đặc (riêng tại Mỹ có khoảng 60 hoạt động trong 113 giờ làm việc, ngày cao điểm có tới gần 20 hoạt động), chuyến công tác của Thủ tướng đã để lại nhiều dấu ấn.
Điều đặc biệt là trong suốt hành trình dài từ Đông bán cầu tới Tây bán cầu, từ Bắc Mỹ tới Nam Mỹ, cả 6 lần di chuyển của đoàn công tác bằng máy bay đều là "những chuyến bay đêm", để dành toàn bộ thời gian ban ngày cho các hoạt động làm việc.
Chuyến công tác không có thời gian trống, các hoạt động diễn ra liên tục từ sáng sớm tới tối muộn, rất nhiều sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp ăn sáng làm việc, ăn trưa làm việc, ăn tối làm việc. Tất cả các cuộc làm việc đều bảo đảm thực chất, hiệu quả nhất.
Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một số phiên họp của Liên Hợp Quốc cũng như các bài phát biểu chính sách tại Mỹ và Brazil đã truyền tải những thông điệp lớn về quan điểm, chính sách cụ thể của Việt Nam, nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Thông điệp của Thủ tướng truyền đi hình ảnh về một Việt Nam trân quý hòa bình, ổn định, đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội; đồng thời có vai trò, vị thế và uy tín ngày một được nâng cao trên trường quốc tế.
Trong các bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh cũng như sự chia cắt, bao vây, cấm vận trong thế kỷ trước, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, hợp tác và phát triển.
Với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", bằng sự kiên trì, cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đưa đối thủ thành đối tác, và được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hòa giải sau chiến tranh vì sự phát triển và thịnh vượng chung của các bên.
"Hình mẫu Việt Nam cho thấy không có gì là không thể trong quan hệ quốc tế, để tìm đến hòa bình, hợp tác và phát triển", theo lời Thủ tướng.
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nêu đậm quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong đó nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất.
Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương.
Từ bài học kinh nghiệm này, Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết các tranh chấp và Mỹ cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
Với Mỹ, đây là chuyến công tác đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Các đối tác Mỹ đều khẳng định coi trọng Việt Nam và phát triển quan hệ hai nước.
Phía Mỹ phản hồi tích cực đối với các ưu tiên cao của Việt Nam về việc sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại, mở cửa hơn nữa thị trường cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái bán dẫn và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh...
Chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng cũng mang ý nghĩa quan trọng.
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung, văn kiện quan trọng, thể hiện tầm vóc của quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời định hướng cho hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, hướng tới khuôn khổ quan hệ mới phù hợp trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước về tham khảo chính trị và hợp tác kinh tế - thương mại; phấn đấu tăng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.