TPHCM: Nghịch lý nhà ở xã hội nhiều nhưng người mua ít

Nhịp sống - Ngày đăng : 14:30, 26/09/2023

TP Thủ Đức đang hoàn thiện 1.490 căn hộ nhà ở xã hội, tuy nhiên, chỉ gần 100 người đăng ký mua. Các đại biểu đề nghị địa phương cần mở rộng đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội.

Sáng 26/9, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ trì buổi giám sát việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2025 đối với UBND TP Thủ Đức.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 dự án với 5.960 căn hộ. TP Thủ Đức đang đầu tư xây dựng thêm 2 dự án nhà ở xã hội với 1.490 căn, 1 dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê với 1.040 căn hộ.

TPHCM: Nghịch lý nhà ở xã hội nhiều nhưng người mua ít - 1

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, báo cáo số liệu về nhà ở xã hội với đoàn giám sát (Ảnh: Thanh An).

Đồng thời, TP Thủ Đức đã quy hoạch và đang thực hiện các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng thêm 22 dự án nhà ở xã hội, 1 nhà lưu trú công nhận và 1 nhà ở chuyên gia.

Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, theo báo cáo, TP Thủ Đức đang hoàn thiện 2 dự án nhà ở xã hội với 1.490 căn hộ. Tuy nhiên, số người đăng ký mua chưa đến 100.

"Chủ đầu tư nên mở rộng nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội để nhiều người tiếp cận được việc mua nhà. TP Thủ Đức cần phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp để tuyên truyền đến các đối tượng như công nhân, người lao động về các dự án trên địa bàn", ông Thắng góp ý.

TPHCM: Nghịch lý nhà ở xã hội nhiều nhưng người mua ít - 2

Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, góp ý tại buổi làm việc (Ảnh: Thanh An).

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng, nhà ở xã hội không có đặc thù riêng, không bán được như nhà ở thương mại. Do đó, chủ đầu tư có trách nhiệm khảo sát nhu cầu trên địa bàn để tính toán quy mô của căn hộ, tỷ lệ phân bổ giữa các loại căn hộ để có giá bán, giá cho thuê phù hợp với nhóm đối tượng cần tiếp cận.

"Việc xây dựng nhà ở xã hội phải cố gắng tiết kiệm nhất có thể để giảm chi phí từ việc chọn chủ đầu tư, tổ chức thi công. Từ đó, giá bán, giá cho thuê mới hợp lý, phù hợp với người có nhu cầu", ông Hiếu bày tỏ.

Kết luận tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, đề nghị TP Thủ Đức cần rà soát, xác định chính xác các dự án nhà ở xã hội tại địa phương đã được duyệt quy hoạch nhưng chưa hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng. Từ đó, địa phương đưa ra phương án hủy bỏ dự án hoặc chuyển tiếp sang giai đoạn sau.

TPHCM: Nghịch lý nhà ở xã hội nhiều nhưng người mua ít - 3

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, kết luận buổi làm việc (Ảnh: Thanh An).

"TP Thủ Đức cần rà soát và đề xuất hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án chưa triển khai hoặc đang làm nhưng phải tạm dừng, chậm tiến độ. Thời gian báo cáo bổ sung cho đoàn giám sát chậm nhất là ngày 10/10", bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu.

Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề nghị, TP Thủ Đức cần quan tâm thực hiện công tác quản lý Nhà nước liên quan chất lượng công trình, pháp lý, công tác phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu công trình đối với nhà ở xã hội.

Quyền lợi của công nhân, người lao động thu nhập thấp, các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội, nhất là người dân vay tiền nhưng chưa được bàn giao nhà hay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội cần được đảm bảo.

Q.Huy