Mục đích thật sự của thiền
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 09:00, 26/09/2023
Hiện nay ở phương Tây, phần lớn những người dạy thiền đều không phải là thiền sư, cũng không có liên hệ gì đến tôn giáo. Một số là huấn luyện viên thể dục hay Yoga rồi thêm thắt các khóa thiền vào chương trình luyện tập để thu hút khách hàng. Một số khác tự học qua sách vở, tham dự vài khóa thiền, rồi tự phong cho mình chức tước nào đó để thu nhận học trò với mục đích kiếm tiền.
Nhiều người có tài ăn nói khéo léo có thể thu hút đông học trò, phát triển thành những công ty có chi nhánh khắp nơi và thu về con số lợi nhuận cực lớn. Điều đáng lo ngại là việc truyền dạy không căn cứ này có thể gây nguy hại, không những cho thân mà còn ảnh hưởng đến cả tâm trí của học viên. Thiền không phải chỉ là ngồi yên để thư giãn như nhiều người hiểu lầm. Thiền là khoa học về tâm thức, đòi hỏi có sự cam kết để thực hành một cách nghiêm túc và đứng đắn.
Thiền định không phải để giải trí, để khoe khoang, để theo trào lưu mà là để nó trở thành một phần của cuộc sống với mục đích rõ rệt. Có một số nguyên tắc căn bản mỗi người cần hiểu để cam kết cho việc thực hành. Khi thực hành với sự hiểu biết này, bạn sẽ thấy thiền định rất đơn giản, còn nếu không, bạn sẽ sớm cảm thấy lạc lõng và trước sau gì cũng bỏ cuộc.
Thiền định phải tự nhiên, với mục đích rõ rệt. Đời sống của chúng ta không thể đi theo hai chiều hướng đối nghịch. Mỗi người không thể có một đời sống năng động náo nhiệt cùng một lúc với những thực tập về tâm linh. Thiền là phá chấp nhị nguyên để trở về với tự tánh (Inherent nature), nếu có nhị nguyên thì không thể có thiền.
Nên thực hành thiền vào lúc nào là tốt nhất?
Đó là buổi sáng sớm, trước khi mặt trời mọc. Lúc đó không gian yên tĩnh, là lúc tập trung nhiều năng lượng tích cực, thích hợp cho việc tu tập. Sau khi thức dậy khỏi giấc ngủ dài, ta nên làm vài động tác thể dục khởi động khoảng mười phút để thân thể tỉnh táo rồi mới bắt đầu thực hành. Nếu thực hành thiền vào buổi chiều hay tối, ta cần dành ra một khoảng thời gian nhất định để nghỉ ngơi cho thân thể ổn định và thả lỏng, bởi ta đã mệt mỏi với một ngày làm việc. Điểm chính yếu là ta phải học cách nghỉ ngơi cho thoải mái, giảm bớt sự căng thẳng của thân thể trước khi bắt đầu. Ta cần tập thở nhẹ và chậm lại chứ đừng làm gì quá sức. Mọi phương pháp tham thiền đều bắt đầu bằng việc đưa cơ thể về trạng thái tự nhiên. Điều này quan trọng vì thở không đúng cách có thể gây nguy hiểm. Mỗi người nên biết rằng hơi thở là một năng lượng tái tạo của sự sống vì khi lưu chuyển trong thân thể, nó chứa đựng những năng lực có thể chữa lành nhiều cơ quan nội tạng.
Còn một việc nữa mà người thực hành thiền cần phải lưu ý rằng không bao giờ được tập bất kỳ phương pháp thở nào không tự nhiên. Việc hít thở sâu rồi dồn hơi xuống cơ quan nào trong người để kích thích các luân xa là cách luyện tập của các pháp sư tà thuật ngoại đạo, việc này có thể khiến người tập mất tự chủ, khiến thần kinh trở nên rối loạn, không kiểm soát được bản thân. Phương pháp tập trung thị giác vào một điểm trên trán, để đầu óc tê liệt, là cách kêu gọi các động lực vô hình nhập vào, rồi theo họ rời thể xác, bay vào nơi chốn nào đó hay cõi giới khác. Đó là điều cô phải tuyệt đối tránh vì hậu quả của những việc này vô cùng tai hại, không những trong kiếp này mà liên quan đến cả những kiếp sau nữa.
Bộ sách “Muôn kiếp nhân sinh” là những nỗ lực lý giải hai quy luật vũ trụ là Nhân quả và Luân hồi. Bên cạnh đó cũng bàn về khía cạnh đạo đức của con người, đặc biệt là lòng tham và cực đối lập của nó – thái độ sống cho đi. Qua đó, tác giả cùng nhân vật chính Thomas và bậc thầy giác ngộ Kris đã gửi gắm vào quyển sách những thông điệp phải bắt đầu bằng thay đổi tâm thức nếu muốn thay đổi tương lai của nhân loại.