Nhiều chị em bị ám ảnh vì biến đổi hình thể sau sinh

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:12, 25/09/2023

TPHCM - Biến đổi hình thể sau sinh là tình trạng chung của nhiều phụ nữ. Trong quá trình mang thai kéo dài nhiều tháng, nhiều chị em có thể bị biến dạng hình thể và kéo theo nhiều bệnh lý về xương khớp.
Nhiều chị em bị ám ảnh vì biến đổi hình thể sau sinh
Chị D. thay đổi hình thể, xương chậu nghiêng về phía trước khiến cân nặng dù 45kg nhưng bụng vẫn lớn. Ảnh: HƯƠNG SƠN

Da bụng chảy xệ, chân đi bè về hai phía, thắt lưng luôn nhức mỏi... là những gì mà chị N.P.D (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) đang trải qua.

Theo chị D, chị sinh bé thứ 2 được 8 tháng, vì những ngày thức khuya để vắt sữa nên có dấu hiệu đau lưng sinh lý. Sau sinh, chị D càng đau hơn vì phải ngồi nhiều chăm con nhỏ.

“Có những thời điểm, xương lưng nhức khó chịu, còn xương chậu nghiêng về phía trước nên bụng ưỡn ra, nhìn lúc nào cũng to và khó chịu khi mặc đồ”, chị D chia sẻ.

Cũng là bà mẹ đã sinh 2 con, chị Phương Linh (Quận 8, TPHCM) đang cố gắng tập thể dục, mong cải thiện cơn đau nhức thắt lưng và mỏi cổ tay vì bế con nhỏ nhiều năm.

Thời gian chăm sóc con nhỏ, chị Linh chỉ có một mình làm hết mọi thứ, lâu dần cơ thể mệt mỏi, biến dạng từ dáng đi, cách ngồi, khiến mặc quần áo thiếu tự tin.

“Có rất nhiều lần, tôi cũng cố gắng tập cả yoga để chỉnh lại dáng người, nhưng vẫn chưa hiệu quả rõ rệt. Khoẻ hơn thì có, còn hình thể chưa trở lại như ngày xưa”, chị Linh chia sẻ.

BS Cavil Q Trinh - Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp (Bệnh viện 1A TPHCM) - cho biết, ở những ngày cuối thai kì, cơ thể phụ nữ tiết ra một chất là angiotensin, giúp khung chậu, dây chằng và các khớp kéo giãn ra. Ví dụ, khớp xương mu bình thường cách nhau dưới 1 cm, còn giai đoạn gần sinh tách ra 2 - 3 cm để có thể dễ dàng sinh.

Khi sinh, mọi bộ phận giãn ra; việc này khiến sản phụ bị đau khung chậu và sau sinh, cơn đau tử cung không còn, nhưng đau khung chậu vẫn dai dẳng. Đặc biệt, bà mẹ sinh những em bé nhiều cân, việc đau xương chậu là điều khó tránh khỏi.

Đau thắt lưng, đau khung chậu, đau xương mu… là các khớp dễ bị ảnh hưởng nhất.

Điều đầu tiên là sản phụ cần được nghỉ ngơi, sau đó, sẽ có những phương pháp phục hồi chức năng sau sinh như: tập vật lý trị liệu, điều trị nhiệt độ bằng các máy móc hỗ trợ, siêu âm để tác động lên dây chằng, sụn nhằm giảm bớt đau.

“Để phục hồi chức năng sau sinh, khi di chuyển, cần đi hai chân cân bằng, nếu mất cân bằng, cơn đau nhiều hơn. Nếu bệnh nhân đau quá, có thể dùng thuốc để xử lý cơn đau.

Nếu bệnh nhân không can thiệp kịp thời, sẽ gây ra cơn đau triền miên, thoái hoá khớp, gây đau mất cân bằng chi dưới, dáng đi bất bình thường, nghiêng xoay khung chậu và kết quả là ảnh hưởng đến chức năng hình thể”, BS Cavil Q Trinh chia sẻ.

HƯƠNG SƠN