Cổ phiếu trụ cột giảm sàn, VN-Index mất thêm 40 điểm
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 17:00, 25/09/2023
Kết thúc phiên giao dịch 25/9, đa số cổ phiếu trên cả 3 sàn chứng khoán giảm điểm. Trên sàn HOSE, có 495 mã giảm giá (trong đó có 115 mã giảm sàn), chỉ có 45 mã tăng giá và 24 mã đứng giá.
Trong nhóm 30 cổ phiếu trụ cột VN30 có tới 6 mã giảm giá, trong đó có 4 mã giảm sàn gồm Vingroup (VIC), Chứng khoán SSI (SSI), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR).
Chốt phiên 25/9, VN-Index giảm 39,85 điểm (tương đương giảm 3,34%) xuống 1.153,2 điểm. HNX-Index thậm chí giảm 4,79% xuống 231,5 điểm. Upcom-Index giảm 2,27% xuống 88,7 điểm.
Trong tuần trước, chỉ số VN-Index giảm 34,3 điểm (tương đương giảm 2,8%) xuống còn 1.193,05 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 3,8% xuống 243,2 điểm. Upcom-Index giảm 3,2% xuống 90,8 điểm.
Trong phiên 25/9, cổ phiếu ở hầu hết mọi nhóm ngành đều chịu áp lực bán mạnh, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán. Nhóm xuất khẩu vốn được hưởng lợi từ tỷ giá tăng cũng bị bán ồ ạt.
Trong nhóm trụ cột, cổ phiếu Vingroup (VIC) giảm sàn mất 3.500 đồng xuống 46.500 đồng/cp; Chứng khoán SSI giảm sàn 2.250 đồng xuống 30.350 đồng/cp; Ngân hàng SHB giảm sàn 800 đồng xuống 11.000 đồng/cp…
Trong 13 cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm VN30, chỉ có SeABank (SSB) tăng nhẹ 500 đồng lên 26.000 đồng và ông lớn Vietcombank (VCB) đứng giá, còn lại đều giảm. Sacombank (STB) giảm mạnh 1.250 đồng xuống 31.650 đồng/cp; Vietinbank (CTG) giảm 1.850 đồng/cp xuống 29.800 đồng/cp; VIBank (VIB) giảm 1.250 đồng xuống 19.050 đồng/cp…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt giảm mạnh như: VND, SHS, CTS.
Áp lực bán gia tăng trong tuần mới trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục hút tiền về sau khi hút gần 20.000 tỷ đồng trong ngày 21 và 22/9 thông qua phát hành tín phiếu.
Tuần qua, NHNN mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng. Cơ quan này hút tiền trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu giữ chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài.
Hệ thống ngân hàng gần đây ghi nhận tình trạng thừa tiền, thanh khoản dồi dào. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ khoảng 0,14-0,16%/năm. Đây là mức lãi suất qua đêm thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp, tới 15/9 mới đạt 5,56%. Trong phiên 22/9, NHNN hút 10.000 tỷ đồng từ các ngân hàng về với lãi suất trúng thầu rất thấp, chỉ 0,5%/năm.
Tỷ giá USD/VND lên rất cao, hầu hết ở các ngân hàng đã vượt ốc 24.500 đồng/USD. Mức tăng tỷ giá đã lên 3,3% và gây ra sự lo lắng nhất định.
Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm tới giờ đã hút ròng hơn 7.000 tỷ đồng.
Gần đây, đại diện NHNN cho biết cơ quan này phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Khi tỷ giá lên, điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải tìm biện pháp để kéo xuống. Khi đó lãi suất phải tăng lên hoặc NHNN phải hút bớt tiền VND ra khỏi lưu thông thông qua phát hành tín phiếu hoặc bán USD.
Hoạt động bán còn diễn ra khi VN-Index "thủng" ngưỡng hỗ trợ về mặt tâm lý 1.200 điểm.
Bên cạnh đó, nguyên nhân giảm cũng được cho là đến từ thông tin một công ty chứng khoán lớn tiếp tục cắt giảm margin.
Việc Fed phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất và giữ trong thời gian dài cũng khiến nhiều người lo ngại chênh lệch lãi suất có thể đẩy tỷ giá USD/VND lên tiếp, qua đó khiến khối ngoại đẩy mạnh hoạt động bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, một số công ty chứng khoán dự báo sức cầu có thể tăng khi thị trường chuẩn bị vào mùa báo cáo kinh doanh quý III, với kết quả dự báo tích cực hơn.
Gần đây, quỹ Fubon đã quay trở lại mua cổ phiếu Việt. Trong khi đó, một số tổ chức tiếp tục có đánh giá tích cực. Pyn Elite Fund cho rằng định giá chứng khoán Việt Nam đang khá rẻ và dự báo VN-Index có thể lên ngưỡng 2.500 điểm vào năm 2025 - 2026.
Quỹ ngoại này cũng đánh giá cao việc Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện sau sự kiện Tổng thống Joe Biden đến thăm Hà Nội.