Điểm tin kinh doanh 25/9: Giá vàng vẫn có thể biến động trong thời gian tới

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 25/09/2023

Tiêu thụ mì ăn liền của thế giới lên mức kỷ lục; Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu 'hạ nhiệt'
gia-vang-28-7.jpg

- Giá vàng vẫn có thể biến động trong thời gian tới

Giá vàng trong nước và thế giới đã khép lại một tuần giao dịch biến động trước, trong và sau thông tin điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Dù Fed quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức hiện tại, các nhà phân tích nhận định sẽ có những biến động trong thời gian sắp tới.

Tại thị trường Hà Nội, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,25 - 69,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên trước đó.

Cùng lúc, Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,35 - 69,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên so với chốt phiên trước đó.

So với mức giao dịch trong tuần, giá vàng giao dịch ở mức này đã có phần "hạ nhiệt" sau động thái Fed quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức hiện tại.

Trước đó, trong tuần, có thời điểm giá vàng giao dịch ở mức cao kể từ đầu năm là 69 triệu đồng/lượng. Một trong những nguyên nhân được giới chuyên gia cho rằng là do xu hướng tăng của tỷ giá VND/USD thời gian gần đây.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, tỷ giá VND/USD tăng khiến nhiều người chuyển kênh đầu tư sang vàng như kênh trú ẩn an toàn.

“Với bất kỳ mặt hàng nào, khi cung không đủ cầu thì giá sẽ tăng. Điều này đúng khi giá vàng tăng tương đối nhanh những ngày vừa qua”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát tốt chính sách tiền tệ, tỷ giá VND/USD tăng trong dự báo. Vì thế, giá vàng ít có khả năng tăng, thậm chí có thể giảm ngay trong thời gian tới.

Cùng đó, giá vàng thế giới giảm trong phiên 21/9, khi chỉ số USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Giá vàng giao tháng 12/2023 giảm 27,5 USD, hay 1,4%, xuống chốt phiên ở mức 1.939,6 USD/ounce.

Ngày 20/9, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức hiện tại, song ủng hộ một đợt tăng lãi suất vào cuối năm 2023 và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024.

Nhà phân tích thị trường Mike Ingram tại Công ty quản lý đầu tư Kinesis Money cho rằng, lãi suất tăng thường là trở ngại với giá vàng khi làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không sinh lời này. Điều này khiến cho các nhà phân tích nhận định giá vàng sẽ có những biến động trong thời gian sắp tới.

- Tiêu thụ mì ăn liền của thế giới lên mức kỷ lục

Nhu cầu toàn cầu về mì ăn liền đạt 121,2 tỉ gói năm ngoái, đánh dấu năm thứ bảy tăng liên tiếp và đạt mức cao nhất mọi thời đại, theo dữ liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), có trụ sở tại Osaka (Nhật Bản).

Báo cáo của WINA cho biết số liệu mới nhất dựa trên ước tính lượng tiêu thụ mì gói ở 56 nền kinh tế. So với năm 2021, số lượng tiêu thụ mì ăn liền của thế giới tăng gần 2,6%. Các nền kinh tế nhưTrung Quốc, trong đó có Hồng Kông, là thị trường mì ăn liền dẫn đầu năm ngoái. Indonesia đứng thứ hai, tiếp theo là Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản.

Vào năm 2020, khi phần lớn mọi người ở nhà do lệnh phong tỏa chống đại dịch Covid-19, nhu cầu mì ăn liền toàn cầu tăng 9,5%. Mức tăng giảm xuống còn 1,4% vào năm 2021, sau đó tăng nhanh hơn vào năm 2022.

Năm ngoái, nhiều nước chứng kiến giá lương thực tăng vọt do lạm phát. Điều này thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng mì ăn liền vì đây là sự lựa chọn giúp tiết kiệm tiền.

Thị trường mì ăn liền tăng trưởng đáng kể ở Mexico. Nhu cầu mì ăn liền của nước này tăng vọt 17,2% vào năm 2021 và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số vào năm ngoái, ở mức 11%.

Ngược lại, thị trường Hoa Kỳ giảm tiêu thụ mì ăn liền 1,4% vào năm 2021, sau đó tăng 3,4% vào năm 2022.

- Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu 'hạ nhiệt'

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sau một thời gian dài trên đỉnh đã bắt đầu giảm so với các mức giá gần đây.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 22.9 cho loại 5% tấm là 613 USD/tấn. Còn gạo 25% tấm của Việt Nam là 598 USD/tấn. Có thể thấy, giá gạo của Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn so với giá gạo của hai nước Thái Lan và Pakistan.

Nếu so sánh với thời điểm 31.8 thì giá gạo của Việt Nam đã giảm 34 USD trên mỗi tấn xuất đi. Thời điểm đó, gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 647 USD/tấn. Đối với gạo 25% tấm, mức giảm của Việt Nam là 34 USD/tấn (từ 632 USD xuống còn 598 USD/tấn).

Hiện giá gạo đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, ví như Philippines áp giá trần gạo nội địa, mặc dù chính sách này sau đó đã được dỡ bỏ, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo (ngô, lúa mì).

Tuy nhiên nhìn chung, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi), trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.

Việt Báo (Tổng hợp)