Mải mê làm thêm, nhiều sinh viên còng lưng trả học phí gấp đôi
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:26, 23/09/2023
Phạm Sỹ Cường (21 tuổi quê Hà Nam), sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhớ lại khoảng thời gian năm thứ 2 đại học phải đóng số tiền học lại gần 7 triệu đồng/học kỳ vì quá mải mê làm thêm, bỏ bê việc học.
Gia đình khó khăn, nên ngay khi vào năm nhất đại học, Cường đã đăng ký chạy xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống, phụ giúp đỡ gia đình gánh nặng tài chính.
Thời gian đầu khi mới chạy xe ôm ông nghệ, Cường tranh thủ sáng lên lớp, chiều, tối đi chạy xe, trung bình mỗi tháng kiếm được khoảng 3 - 4 triệu đồng. Kiếm được đồng tiền khá dễ, nam sinh dần say mê, hăng say nhận cuốc hơn, thậm chí ngày nào cũng đi làm đến nửa đêm mới về nhà.
Lấn sâu vào việc chạy xe ôm công nghệ, đồng nghĩa việc học của Cường bị bỏ bê, chỉ đi học 2 - 3 buổi/tuần, thời gian còn lại tiếp tục lao vào kiếm tiền. "Ngày đông khách, em kiếm được 300.000 - 500.000/ngày, nhờ vậy mà tiền trọ, tiền ăn uống sinh hoạt có thể tự túc, không phải xin bố mẹ, thậm chí còn gửi được tiền về nhà", nam thanh niên chia sẻ.
Đến khi kết thúc kỳ thi hết môn, Cường té ngửa nhận kết quả trượt 5/7 môn, tất cả đều đạt điểm F phải học lại.
Sang năm hai, Cường phải học lại tất cả những môn bị trượt ở kỳ trước với 15 tín chỉ, số tiền đóng là 493.000 đồng/tín chỉ (hơn 7 triệu đồng - gần gấp đôi với tiền học bình thường). Như vậy, cộng với số môn học mới của năm hai, anh phải học tổng cộng 10 môn với mức học phí hơn 11 triệu đồng - số tiền không hề nhỏ với sinh viên hoàn cảnh khó khăn như Cường.
Cầm trên tay tờ giấy thông báo học phí, Cường ngẫm lại, việc chạy xe ôm mỗi tháng cũng chỉ mang lại khoảng 3 - 4 triệu đồng, còn tiền học lại nhiều gấp đôi, "vì ham lợi trước mắt mà hại lâu dài". Cậu cũng không dám nói với gia đình, sợ bố mẹ buồn và lo lắng.
Sau khi phải học lại và chi trả khoản tiền rất lớn cho việc này, nam thanh niên gốc Hà Nam hạn chế tối đã việc chạy xe và dành nhiều thời gian trong việc học tập. "Những ngày nghỉ, em vẫn phải tranh thủ chạy xe kiếm tiền để bù vào tiền đóng học", cậu nói.
Cường vẫn tiếp tục chạy xe ôm công nghệ nhưng chỉ tranh thủ vào buổi tối và cuối tuần, cậu xác định việc chính vẫn là học tốt để sớm hoàn thành năm thứ 4 đại học, sớm ngày ra trường đi làm.
Trong tình cảnh tương tự, Lưu Tiến Minh (22 tuổi, quê Phú Thọ), sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống ngay từ năm thứ nhất. Nghề đầu tiên cậu làm là bưng bê phục vụ ở quán cà phê gần trường với số tiền lương ít ỏi 15 - 20.000/giờ.
Năm hai đại học, Minh xin vào công ty truyền thông tại quận Cầu Giấy, do lịch trình công việc tại đây dày đặc nên việc đi học của cậu bị ảnh hưởng. Mức lương tại công ty này khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng, khá cao với một sinh viên đại học, do vậy nam sinh tìm đủ mọi cách để trốn học đi làm thêm. Cậu thường xuyên phải nhờ bạn bè điểm danh hộ, học hộ.
Sau khi biết kết quả học tập, Minh sốc khi 6/7 đạt điểm F do nghỉ quá số buổi quy định, phải học lại. Thay vì lựa chọn đi học lại, cậu giấu gia đình, đưa ra quyết định táo bạo xin bảo lưu việc học, tập trung đi làm cày tiền với tâm lý "sau này có tiền rời đi học lại chưa muộn".
Trong thời gian đi làm cậu thấy bản thân không cần bằng cấp mà vẫn có thể kiếm tiền. Cứ vậy, nam sinh viên gốc Phú Thọ bị cuốn vào guồng quay của công việc, quên đi việc học.
Sau khi làm được một thời gian, Minh bắt đầu cảm thấy công việc không có tiến triển, cơ hội thăng tiến thấp và hối hận khi mình đã bỏ học để đi làm sớm như vậy.
"Vì cái lợi trước mắt với đồng lương ít ỏi 6 - 7 triệu đồng mà em đánh mất cơ hội việc làm với số lương gấp nhiều hơn thế", Minh chia sẻ.
Trường hợp như Minh và Cường không hiếm gặp trong các trường đại học hiện nay. Vì chưa có kinh nghiệm nên không ít bạn trẻ chấp nhận đi làm phục vụ, lái xe ôm, các công việc tay chân nặng nhọc để kiếm tiền. Trong đó, nhiều sinh viên vì mải mê đi làm mà bỏ quên chuyện học tập của mình.
Theo ông Đỗ Đức Long (giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, theo kết quả một số nghiên cứu tại trường, số lượng sinh viên đi làm thêm chiếm tỷ lệ khá cao với 60,8%.
Việc sinh viên đi làm thêm là xu hướng phổ biến nhằm đáp ứng một số nhu cầu như: Nhu cầu kinh tế, công việc phù hợp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng, hỗ trợ gia đình... Tuy nhiên, việc sinh viên đi làm thêm cũng có thể gây ra một số hệ quả, làm giảm thời gian dành cho việc học tập hoặc gây ra căng thẳng do áp lực học tập và công việc cùng lúc.
Ông Long khuyên sinh viên cần quản lý tốt thời gian và đảm bảo cân nhắc kỹ lưỡng giữa công việc làm thêm và học tập. Sinh viên nên chọn công việc phù hợp, không được quên mục tiêu chính của bản thân, luôn đảm bảo được sức khỏe tốt nhất, tuân thủ quy tắc của trường học.