AI duyệt quảng cáo, khó gỡ 'điều đào' trên Facebook và Telegram
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:55, 23/09/2023
Theo anh Lê Khánh, một người đang cung cấp các dịch vụ Facebook tại TP.HCM cho biết, sở dĩ các quảng cáo như “điều đào” hay các app livestream xuất hiện trên Facebook thời gian qua do mạng xã hội này dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để duyệt quảng cáo.
Với việc dùng AI, những người làm quảng cáo chuyên nghiệp tại Việt Nam dễ dàng “lách” được thông qua thay đổi từ khoá, làm mờ hình ảnh “nhạy cảm” hay lồng vào các video nội dung…
Thực tế, rất khó có thể dẹp bỏ các quảng cáo này nếu không có sự kiểm duyệt của người thật. Nhưng như thế sẽ tốn rất nhiều nguồn nhân lực với khối lượng thông tin khổng lồ hàng ngày trên Facebook. Chính vì thế, mạng xã hội này đã “thả trôi” nhiều quảng cáo tệ nạn hay lừa đảo trong thời gian qua.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Minh Hoàng, một người làm dịch vụ kiếm tiền trên mạng (MMO) cũng cho rằng, rất khó để dẹp các quảng cáo “độc hại” trên Facebook hiện nay. Thực tế Facebook cũng có tiến hành lọc các nội dung này nhưng không xuể. Hơn nữa, dân MMO ở Việt Nam rất giỏi “lách luật”, nên nền tảng vừa cập nhật chính sách mới thì ngay lập tức những người làm quảng cáo chuyên nghiệp đã “vượt rào được rồi”.
Để xử lý triệt để việc này bắt buộc Facebook phải có người làm trực tiếp tại thị trường Việt Nam, chứ không thể phó mặc cho AI hay ngồi ở nước khác để điều hành. Đồng thời, cũng cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và Facebook, nếu không vấn nạn này vẫn sẽ không thể giảm trong thời gian tới.
Có một thực tế, hiện nay, Facebook hay Google, thậm chí là cả Zalo… đang được xem là bước đệm, như các ứng dụng “điều đào” ở trên, để kẻ xấu thực hiện mục đích lừa đảo. Theo đó, những đối tượng lừa đảo sử dụng các nền tảng làm cầu nối, sau đó, hướng người dùng qua Telegram để thực hiện mục đích cuối cùng.
Việc chọn Telegram để thực hiện các hành vi lừa đảo, theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS, là do nền tảng này cho phép tạo các hội nhóm số lượng lớn thành viên, hoàn toàn miễn phí; Telegram không bị kiểm duyệt; Tin nhắn mã hoá đầu cuối; Xoá lịch sử (cho tất cả mọi người).
Đồng thời, nền tảng cũng hỗ trợ các giao diện lập trình API, giúp cho các nhà phát triển phần mềm có thể lập trình các phần mềm tương tác với người dùng hay nhóm chat một cách tự động.
Nhờ đó, các đối tượng lừa đảo có thể tạo nhiều tài khoản ảo, cò mồi, tham gia tung hứng, đưa thông tin giả, khiến cho người tham gia cảm giác luôn sôi động, có nhiều người kiếm được tiền hoặc giải thưởng. Nhưng thực chất, các đối tượng cùng một nhóm, sau khi lừa được con mồi thì chúng có thể âm thầm rút đi và xoá hết các nội dung đã trao đổi trước đó.
Trong khi các nhà mạng chịu sự quản lý của Luật Viễn thông và các cơ quan chức năng, ví dụ như yêu cầu về định danh, yêu cầu về hợp đồng chính chủ… thì các ứng dụng OTT như Telegram hoàn toàn không phải tuân theo một quy định nào.
Chẳng hạn như người dùng có thể tạo lập tài khoản tuỳ ý, không cần xác thực bằng chứng minh thư hay căn cước công dân, gửi tin nhắn spam tới nhiều người không bị xử lý...
Ngoài ra, toàn bộ dữ liệu lại được lưu ở nước ngoài, khi cơ quan chức năng cần điều tra truy vết, đòi hỏi sự hợp tác của Telegram thì không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Riêng về các ứng dụng livestream khiêu dâm và đánh bạc, theo đại diện một đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trong nước, muốn dẹp bỏ được các dịch vụ phi pháp này đòi hỏi các ngân hàng và các ví điện tử phải xác minh người dùng cuối một cách chặt chẽ.
Theo đó, các ví điện tử phải xác minh lại người dùng, yêu cầu phải sử dụng CCCD gắn chip (loại bỏ CMND), xác thực khuôn mặt 3D, dữ liệu phải được đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư của Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (C06).
Quản lý chặt hạn mức nạp rút, với ví điện tử giới hạn nạp mỗi tài khoản là 100 triệu/tháng và giới hạn rút là 20 triệu/tháng. Nếu một người dùng vượt quá hạn mức phải có hợp đồng như một doanh nghiệp ký với công ty trung gian thanh toán và có xác thực.
Các tài khoản người dùng phải có hành vi giao dịch khác ngoài nạp và rút. Bên cạnh đó, tài khoản phải liên kết với một ngân hàng trùng tên với số điện thoại đăng ký…
Về phía ngân hàng, mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cũng cho biết, để giải quyết tình trạng gian lận tài khoản, NHNN đã yêu cầu đến hết năm 2023 các tổ chức tín dụng đảm bảo tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân phải khớp với số trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp không rõ, không đúng, sẽ mời khách hàng đến để thực hiện xác thực tại chỗ. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng làm việc với các đơn vị được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) giới thiệu cung cấp các giải pháp đọc dữ liệu căn cước công dân gắn chip, việc này sẽ áp dụng từ đầu năm 2024, tại quầy cũng như trên Mobile Banking.