Vụ bắt cóc, sát hại bé gái và câu chuyện 'chân dung xã hội'
Pháp luật - Ngày đăng : 19:51, 22/09/2023
Sự việc bé gái 21 tháng tuổi bị bắt cóc và tử vong đã gây rúng động dư luận, khiến tất cả chúng ta đều đau lòng. Chân dung nghi phạm, theo thông tin ban đầu trên báo Dân trí, là người "chưa có tiền án, tiền sự, tốt nghiệp một trường sư phạm nhưng chưa xin được việc, thu nhập thấp và có vướng vào nợ nần".
Theo người dân địa phương, gia đình đã từng phải trả nợ giúp nghi phạm. Còn bản thân nghi phạm thì có cuộc sống không suôn sẻ khi phải rời bỏ địa phương và thay đổi công việc nhiều lần.
Nhìn lại một số sự việc đau lòng liên quan đến trẻ em gần đây, chúng ta thấy rằng đối tượng liên quan thường ở trong tình trạng "có vấn đề" cá nhân nào đó. Cụ thể như, tối 14/8/2023, một người đàn ông đang vướng nợ nần đã bắt cóc bé trai 7 tuổi ở Hà Nội để đòi tiền chuộc.
Hồi tháng 1/2023, tại TPHCM, một bé trai 7 tháng tuổi đã tử vong sau khi bị bạo hành bởi bảo mẫu - người này nhận giữ trẻ nhằm có thêm nguồn thu nhập do tình hình việc làm không ổn định. Cuối tháng 5/2023, bé trai một tháng tuổi ở chung cư Linh Đàm bị bảo mẫu, người có dấu hiệu căng thẳng tâm lý, bạo hành.
Khi xâu chuỗi lại các vụ việc, tôi nhớ đến thủ tục kiểm tra lý lịch xã hội mà các chủ cho thuê nhà hoặc đơn vị tuyển dụng ở Mỹ thường thực hiện với người muốn thuê nhà hoặc xin việc, đặc biệt là những công việc trong trường học và bệnh viện. Bên cạnh việc kê khai hồ sơ, cá nhân thường được yêu cầu cung cấp "số an sinh xã hội - social security number". Đây là một mã số được chính quyền Mỹ sử dụng từ năm 1936, cấp cho công dân Mỹ hoặc người đến Mỹ làm việc, trước hết để theo dõi lai lịch và hiện trạng các nguồn thu nhập của mỗi cá nhân.
Số an sinh xã hội gắn với mỗi công dân Mỹ (và người đến Mỹ làm việc) đến hết cuộc đời cho nên đã dần trở thành phương tiện được sử dụng phổ biến để nhận diện cá nhân, cả khu vực công và khu vực tư nhân. Nhờ số an sinh xã hội mà người ta có thể kiểm tra được rất nhiều thông tin về cá nhân (background information). Đó không chỉ là những thông tin về họ tên, tuổi, giới tính, việc làm và thu nhập, mà còn có thể cả tình trạng vay nợ, số lần vi phạm luật giao thông (nếu có)…
Mỹ là quốc gia rất tôn trọng quyền riêng tư, quyền cá nhân, nhưng cũng rất rõ ràng trong việc thực hiện các quyền. Mọi người có quyền từ chối cung cấp số an sinh xã hội khi đi thuê nhà hoặc xin việc, nhưng cũng đồng nghĩa là phải tìm thuê ở nơi khác, tìm việc ở nơi khác, những nơi không đưa ra yêu cầu này.
Ở nước ta, việc kiểm tra lý lịch thường được thực hiện rất nghiêm túc với những người xin vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Trong quá trình làm việc, người lao động không chỉ được quản lý chặt chẽ bởi bộ phận Tổ chức - cán bộ, mà hàng năm còn được yêu cầu cập nhật các thông tin cá nhân, biến động tài sản. Những quy định về lý lịch cá nhân và gia đình còn nghiêm khắc hơn nữa với những người là đảng viên, và có cơ hội thăng tiến, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Với khu vực tư nhân, vấn đề lý lịch của người lao động có thể đơn giản hơn nhưng nhìn chung cũng được các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với các hộ gia đình có nhu cầu thuê người giúp việc, bảo mẫu, gia sư… thì có những dấu hiệu cho thấy sự chưa coi trọng kiểm tra lý lịch cá nhân. Khi cần người làm việc, một cách phổ biến, các gia đình thường thông qua sự giới thiệu từ người thân, người quen biết hoặc thông qua các trung tâm, rồi chỉ sau một lần gặp gỡ, trò chuyện là người đó có thể được "tuyển" ngay.
Những công việc như giúp việc, bảo mẫu, gia sư… đều tiếp cận rất sâu vào đời sống gia đình. Thế nhưng, chính sự đại khái, thiếu cẩn trọng đã khiến nhiều gia đình khi nhận ra đã tuyển người không phù hợp, thậm chí là phát hiện người đó có hành vi lệch chuẩn với con em mình, thì đã muộn.
Trẻ em là nhóm không có hoặc rất yếu về khả năng tự vệ, có thể đối diện với các nguy cơ bị bạo hành, bắt cóc, xâm phạm tình dục… Nếu người giúp việc có quá khứ đã từng thực hiện các hành vi lệch chuẩn như cờ bạc, vay nợ, cãi vã và mâu thuẫn, sử dụng chất gây nghiện, tụ tập với bạn bè hư hỏng, bạo lực với bạn bè hay đồng nghiệp tại nơi làm việc… thì nguy cơ với trẻ em là rất cao.
Trên thế giới, các nhà xã hội học đã phát triển lý thuyết "Bắt chước xã hội" để lý giải về hành vi lệch chuẩn của cá nhân. Theo đó, những cá nhân có quan hệ mật thiết với các nhóm bạn bè lệch chuẩn (hư hỏng), đã từng thực hiện hành vi lệch chuẩn trong quá khứ, lặp đi lặp lại, thì có nhiều khả năng tái thực hiện trong tương lai.
Cũng theo các nhà xã hội học, mỗi cá nhân sống trong xã hội đều có thể chịu áp lực cấu trúc, bắt nguồn sâu xa từ thực tế bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những cá nhân sống trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế thường chịu áp lực lớn hơn những người khác, cho nên dễ có xu hướng thực hiện hành vi lệch chuẩn hơn. Nguyên nhân là bởi họ thiếu các biện pháp hợp chuẩn (như học tập và làm việc chăm chỉ) hoặc các biện pháp hợp chuẩn không thể giúp họ hiện thực hóa được các giá trị mong muốn (giàu có, thành đạt).
Vụ bắt cóc, sát hại cháu bé 2 tuổi một lần nữa gióng lên tiếng chuông về sự cần thiết của việc kiểm tra lý lịch xã hội với những người làm việc cho các hộ gia đình, nhất là công việc liên quan đến trẻ em. Nói cách khác, trước khi tuyển người, các gia đình cần có được sự hình dung tổng thể và chính xác nhất có thể về những đặc điểm tính cách cá nhân, đặc điểm gia đình, điều kiện sống hiện tại, quá khứ công việc, các mối quan hệ xã hội, thói quen ứng xử với người khác của người mà họ định thuê, mướn.
Sẽ có người nói rằng làm sao để các gia đình biết được những thông tin như vậy? Ở Mỹ có số an sinh xã hội chứ ở ta thì căn cứ vào đâu? Gia đình không thể tự nhiên đến cơ quan chức năng để hỏi lai lịch của một người, nhất là người đó quê ở xa.
Thiết nghĩ đây là vấn đề các cơ quan chức năng nên nghiên cứu trên cơ sở tôn trọng quyền cá nhân, bảo mật thông tin cá nhân, đồng thời đáp ứng nhu cầu chính đáng về thông tin của các bên liên quan (như các gia đình có nhu cầu thuê người giúp việc, thuê gia sư, các chủ nhà trọ, các doanh nghiệp nhỏ thuê người làm thời vụ…). Một nguyên tắc có thể được đưa ra là nếu anh muốn nhận công việc này thì phải cung cấp thông tin lý lịch xã hội, còn nếu không, anh nên đi tìm việc khác.
Trước mắt, việc kiểm tra "chân dung xã hội" của cá nhân nên được các gia đình thực hiện nghiêm túc qua cả kênh chính thức (yêu cầu người đó cung cấp bằng văn bản có sự xác nhận của chính quyền sở tại hoặc xác nhận của trung tâm giới thiệu) cũng như kênh không chính thức (bạn bè, người thân, hàng xóm…).
Mỗi phụ huynh cần bỏ ngay thói quen đại khái, cảm tính mỗi khi thuê người làm cho gia đình. Thay vào đó, tư duy và hành động duy lý, thận trọng chính là điều kiện cần thiết cho một mối quan hệ lao động bền vững, giảm thiểu nguy cơ xảy ra những hành vi lệch chuẩn với nhóm trẻ em, vốn được xác định là những đối tượng yếu thế.
Như vậy, hiểu đơn giản, việc thu thập thông tin nêu trên là để phác họa ra chân dung xã hội của mỗi cá nhân. Đây không phải bản lý lịch nhấn mạnh vào lịch sử gia đình hay xuất thân của một người như cách chúng ta hiểu về lý lịch trước đây, mà tập trung vào những hoạt động có tính xã hội của người đó. Bức chân dung này càng chi tiết thì càng hữu ích cho việc ra quyết định tuyển dụng. Theo các nhà xã hội học, cá nhân với quá khứ tích cực là một chỉ báo có thể giúp chúng ta yên tâm hơn, giảm bớt nguy cơ họ thực hiện hành vi lệch chuẩn trong tương lai.
Quan trọng hơn, bằng ý thức coi trọng chân dung xã hội của cá nhân, mỗi chúng ta sẽ thể hiện thái độ và hành động góp phần đẩy lui cái xấu trong xã hội, hướng đến một cuộc sống an toàn cho mọi thành viên trong xã hội, chứ không chỉ nhóm trẻ em.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.