Vì sao khách Trung vẫn 'thắt lưng buộc bụng' ở nhà, ít du lịch hơn trước?
Tin thế giới - Ngày đăng : 12:13, 21/09/2023
Bất động sản Trung Quốc gặp khó
Thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát - thời điểm trước năm 2019, khách Trung Quốc nằm trong nhóm du khách xuất ngoại nhiều nhất thế giới và cũng rất chịu chi.
Theo số liệu thống kê, năm 2019, nhóm khách này tiêu hơn 2150 tỷ USD khi du lịch nước ngoài. Con số này cao gần gấp đôi so với "đối thủ cạnh tranh" là du khách Mỹ. Đó cũng là thời điểm khách Trung Quốc "chiếm lĩnh" rất nhiều điểm đến nổi tiếng trên toàn cầu.
Bất động sản của Trung Quốc gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế và mức thu nhập, chi tiêu của người dân (Ảnh: The New York Times).
Dịch bệnh gây chấn động ngành du lịch Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Nhưng ngay cả khi thời hậu Covid-19 đã qua khá lâu, du lịch nước này vẫn phục hồi rất chậm chạp.
Một trong những lý do chính được Giáo sư chuyên ngành tiếp thị tại Đại học Miami (Mỹ), ông Zhiyong Yang, nêu ra, đó là lĩnh vực bất động sản nước này đang gặp khó, kéo theo thu nhập người dân giảm, buộc họ phải "thắt lưng buộc bụng". Khi chi tiêu không dư giả, du lịch sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu.
Vậy cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc hiện ở mức độ nào?
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc báo lỗ 7,1 tỷ USD. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng vỡ nợ khiến cổ phiếu công ty lao dốc.
Tiếp đó, một nhà phát triển bất động sản khác là tập đoàn Evergrande cũng đang gặp khó. Vào tháng trước, tập đoàn đã báo lỗ 4,5 tỷ USD.
Trong khi đó, ước tính người dân Trung Quốc đầu tư khoảng 70% tài sản vào bất động sản. Điều này ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nước này và mức thu nhập chi tiêu của người dân.
Khách Trung Quốc ngồi nhà nhiều, chọn du lịch gần và rẻ
Trước tình hình đặc biệt khó khăn khi giá nhà đất giảm, tác động tới chi tiêu, người dân Trung Quốc càng thận trọng hơn trong vấn đề tiêu dùng. Họ ưu tiên chi tiêu tiết kiệm. Xu hướng này làm trầm trọng hơn thách thức kinh tế với các doanh nghiệp "quốc gia tỷ dân".
Bãi biển ở Thái Lan là nơi từng rất hút khách du lịch từ Trung Quốc (Ảnh: Inst).
Và điều này khiến ngành du lịch toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề khi khách Trung Quốc cắt giảm chi tiêu, không còn mặn mà với việc du lịch nước ngoài nhiều như trước.
Giáo sư Zhiyong Yang đã đưa ra những số liệu cụ thể.
Tính tới tháng 4/2023, khách Trung Quốc tới Nhật Bản giảm khoảng 85% kể từ năm 2019, dù tổng số lượt du lịch đến "xứ sở hoa anh đào" đã tăng trở lại 70% so với thời điểm trước đại dịch.
Tương tự, những điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, từng rất hút khách Trung Quốc, nay cũng chứng kiến sự suy giảm mạnh.
Khách Trung Quốc đang có xu hướng du lịch gần nhà, chi phí rẻ (Ảnh: Trip).
Nhìn chung, trong năm 2023, chi tiêu du lịch nước ngoài của khách Trung Quốc dự kiến giảm gần 70% so với mức đỉnh trước đại dịch.
Nói một cách công bằng, du lịch nội địa nước này lại có xu hướng phục hồi tốt. Dù cắt giảm chi tiêu, nhưng khách Trung Quốc đang có xu hướng chọn những kỳ nghỉ gần nhà, có mức giá hấp dẫn.
Học viện du lịch Trung Quốc dự báo, du lịch nội địa năm 2023 sẽ đạt 90% so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, tổng số tiền khách sẵn lòng "móc hầu bao" để chi tiêu vẫn có xu hướng giảm.
Các chuyên gia nhận định, du lịch toàn cầu tiếp tục đối diện với những năm đầy thử thách. Chi phí nhiên liệu tăng cao cũng là cản trở với du khách tiềm năng.