Hưng Yên phát triển tiềm năng du lịch nông thôn
Du lịch online - Ngày đăng : 11:55, 20/09/2023
Với giá 0 đồng, du khách được trải nghiệm bẻ nhãn và thưởng thức ngay tại vườn. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN
Nhiều tiềm năng
Đánh giá về tiềm năng du lịch nông thôn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần cho biết, du lịch nông thôn là loại hình du lịch có thể mang đến cho du khách những trải nghiệm vừa quen thuộc vừa mới lạ, độc đáo. Khi lựa chọn loại hình du lịch này, du khách sẽ có trải nghiệm thú vị như thử làm nông dân, tự tay làm đồ thủ công mỹ nghệ, tham quan làng nghề truyền thống, mua sắm đồ lưu niệm, đặc sản vùng miền hay đơn giản là chụp ảnh lưu niệm với cảnh đẹp làng quê như cây đa, giếng nước, sân đình, ao sen, nhà cổ, cổng làng, ngõ nhỏ...
Theo ông Lê Trung Cần, thực tế cho thấy, từ tiềm năng, lợi thế sẵn có, một số địa phương trong tỉnh bước đầu đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch và mang lại kết quả khả quan. Ở Hưng Yên, du lịch nông thôn chủ yếu là hình thức tham quan làng nghề, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội. Một số địa phương trong tỉnh bắt đầu xuất hiện mô hình đầu tư trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch, chụp ảnh, mua sắm sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu như làng hoa, cây cảnh ở các xã: Xuân Quan, Phụng Công, Mễ Sở (Văn Giang); làng thuốc Nam Nghĩa Trai, ở xã Tân Quang (Văn Lâm); Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)…
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Sen cho rằng, mặc dù là tỉnh duy nhất không có núi, biển nhưng địa phương có hệ thống sông ngòi dày đặc, nổi bật là sông Hồng và sông Luộc, với cảnh quan sông nước thơ mộng, có khả năng kết nối với các điểm du lịch. Địa hình đồng bằng đất đai màu mỡ, phù hợp trồng các loại hoa cây ăn quả, cây dược liệu, tạo nên nhiều cảnh quan hấp dẫn với những đồng quê, làng hoa.
Hưng Yên còn lưu giữ hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như đúc đồng Lộng Thượng, hương xạ thôn Cao, đan đó Thủ Sĩ, mây tre đan Liên Khê, tương Bần, dược liệu Nghĩa Trai... Nhắc đến Hưng Yên, không thể không nhắc đến nhãn lồng Phố Hiến cùng nhiều đặc sản nổi tiếng khác như hạt sen, chè sen long nhãn, cam đường Canh, tương Bần, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, bánh cuốn... là những sản phẩm được nhiều khách du lịch biết đến.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể du lịch nông thôn, nông nghiệp ở Hưng Yên mới chỉ có tại một vài địa điểm với những dịch vụ đơn lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết đồng bộ để tạo thành chuỗi dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng nên nguồn thu không lớn, thường chỉ tập trung vào bán sản phẩm làng nghề, nông sản...
Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn
Ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên chia sẻ, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phố Hiến Hưng Yên được xác định là một trong 8 điểm du lịch quốc gia. Theo đó, Hưng Yên cần có tư duy đột phá trong phát triển du lịch đặc thù, mang sắc thái riêng; nhận diện giá trị cốt lõi, đặc trưng, điển hình nhằm tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho điểm du lịch.
Theo ông Đỗ Hữu Nhân, dựa trên cơ sở nguồn tài nguyên của Hưng Yên, thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát, đánh giá sản phẩm hiện có để nâng cấp, hoàn thiện phù hợp xu hướng của thị trường. Cùng với sản phẩm du lịch đặc trưng là các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền, tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn.
Đối với sản phẩm du lịch nông thôn, Hưng Yên tập trung phát triển tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp; tham quan tìm hiểu văn hóa làng quê Bắc Bộ và tìm hiểu các làng nghề truyền thống. Ngành Du lịch sẽ chú trọng xây dựng tour, tuyến du lịch gắn với du lịch trải nghiệm tại các nhà vườn, làng Nôm cổ (Văn Lâm) và làng nghề truyền thống như đan đó Thủ Sĩ (Tiên Lữ), đúc đồng Lộng Thượng (Văn Lâm), làng trồng dược liệu (Văn Lâm), nhãn lồng...
Tỉnh và các địa phương ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho việc tổ chức không gian khu, điểm du lịch; đồng bộ kết cấu hạ tầng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch; xây dựng điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm đạt chất lượng phục vụ khách du lịch.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá, kết nối tour, tuyến du lịch với các điểm đến trong tỉnh; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn chất lượng, đa dạng, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, mang đặc trưng vùng, miền; góp phần đưa du lịch Hưng Yên trở thành điểm đến độc đáo, mới lạ và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Quang Nhiều