Hà Nội: Hàng loạt họng nước cứu hỏa 'vô dụng'
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:05, 20/09/2023
Họng nước cứu hỏa thiếu van, mất nắp
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí ngày 19/9, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại nhiều khu dân cư ở Hà Nội còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhất là tình trạng họng nước cứu hỏa bị thiếu, hư hỏng, không có nước, ở nơi tầm nhìn hạn chế,... nên "có cũng như không".
Tại khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai), khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), khu đô thị Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai), khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông),... nhiều họng nước cứu hỏa mất nắp, thiếu tay vặn van, hệ thống PCCC hiếm khi được bảo dưỡng kiểm tra.
Các tòa chung cư CT4B-X2, CT4A-X2, CT3B-X2,... khu đô thị Bắc Linh Đàm có 2 họng nước chữa cháy nhưng đều thiếu tay vặn van và nắp bảo vệ.
Họng nước chữa cháy tại các tòa HH02D, HH02C, HH03B khu đô thị Thanh Hà trong tình cảnh tương tự.
Anh Kiên (27 tuổi, sống tại chung cư CT4B-X2, khu đô thị Bắc Linh Đàm), cho biết họng nước chữa cháy gần nhà anh thiếu nắp bảo vệ, tay vặn van xả từ lâu nhưng không được thay thế, sửa chữa.
"Tôi ở đây gần 10 năm nhưng chưa thấy ai sửa chữa họng cứu hỏa, do không có người kiểm tra, bảo dưỡng nên chúng bị hoen gỉ", anh Kiên nhận định nếu xảy ra hỏa hoạn, các họng nước chữa cháy rất quan trọng trong việc dập lửa nên anh mong muốn chúng sớm được sửa chữa, thay thế, đảm bảo có thể sử dụng trong tình huống nguy cấp.
Anh Phan Văn Tuyến (31 tuổi, sống tại tòa chung cư HH03A, khu đô thị Thanh Hà) chia sẻ, trước đây gia đình ít để tâm đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy tại tòa nhà. Lâu nay anh chỉ để ý vấn đề điện, nước. Song sau vụ cháy thảm khốc ở nhà chung cư mini quận Thanh Xuân, vợ chồng anh đặc biệt quan tâm đến an toàn cháy nổ.
Căn hộ của vợ chồng anh nằm ở tầng 7, cao khoảng 30m. Để đảm bảo thoát nạn khi có cháy nổ, cách đây 2 ngày anh đã đặt mua thang dây dài 30m và 3 mặt nạ chống độc, hết gần 8 triệu đồng.
"Mình mua một lần nhưng sử dụng cả đời, không bao giờ dùng đến là điều tốt nhất", anh Tuyến bộc bạch và cho biết, nếu có cháy, các họng nước chữa cháy rất quan trọng, góp phần sớm dập lửa.
Khi biết một số họng nước chữa cháy nơi mình sống bị gãy càng, thiếu nắp bảo vệ, anh Tuyến mong muốn các đơn vị chức năng sớm thay thế, sửa chữa và đặc biệt kiểm tra trụ có nước hay không.
Cất van xả, nắp bảo vệ để chống trộm
Bà Quyên, cán bộ Ban quản lý chung cư CT4A-X2, khu đô thị Bắc Linh Đàm, lý giải để chống trộm nên đã cất tay vặn van xả, nắp bảo vệ ở các họng chữa cháy.
"Các họng nước này hoạt động tốt, có nhiều nước. Khi nào cần chúng tôi sẽ lắp van xả", bà Quyên khẳng định.
Sau khi phóng viên Dân trí phản ánh họng nước chữa cháy tại tòa HH03B bị gãy càng, thiếu nắp, ông Vũ Huy Học, Trưởng tòa nhà HH03 (khu đô thị Thanh Hà) cho biết sẽ kiểm tra, xử lý ngay.
Theo ông Học, kiểm tra trước đó các trụ cứu hỏa tại khu đô thị Thanh Hà đều có nước, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy. Công tác này cũng được cư dân, bảo vệ, ban quản trị, ban quản lý tòa nhà tập luyện, tuyên truyền thường xuyên.
Ông Học cho rằng càng ở họng cứa hỏa bị gãy, nắp bị mất là do có người cố tình phá hoại, lấy trộm.
Hơn 2 năm trước, tòa B11D khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) được thành phố Hà Nội thay thế hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Ông Trần Ngọc Viên, Trưởng ban quản trị tòa B11D, chia sẻ trước đây hệ thống PCCC của tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đường ống hư hỏng, không thể sử dụng. May mắn thời điểm đó không xảy ra cháy nổ, nếu không hậu quả khôn lường.
Còn hiện nay, theo ông Viên, hệ thống chữa cháy mới được lắp đặt hoạt động ổn định, đường ống chữa cháy chạy khắp các tầng.
Song điều mà ông Viên lo lắng là kể từ khi được lắp đặt, đến nay hệ thống chữa cháy mới chưa được bảo dưỡng. Ông mong muốn các cơ quan chức năng có phương án bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên để hệ thống PCCC có thể hoạt động lâu dài, ổn định.
Ra quân tổng kiểm tra công tác PCCC
Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, ngày 19/9, địa phương ra quân tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
Quá trình kiểm tra, các chủ đầu tư, chủ nhà trọ phối hợp với chính quyền địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
"Qua vụ cháy Thanh Xuân, các chủ cơ sở ý thức được tầm quan trọng của PCCC nên phối hợp với chính quyền địa phương. Căn cứ vào hiện trạng, chính quyền yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục để đảm bảo an toàn", vị lãnh đạo cho biết.
Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cũng khẳng định sẽ cho kiểm tra, xử lý họng nước chữa cháy ở các chung cư đang bị thiếu nắp, van xả.
Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, các họng nước chữa cháy tại khu chung cư rất quan trọng, phục vụ nhanh việc lấy nước để khống chế, dập tắt đám cháy.
Song tại các khu tái định cư, khu chung cư xây dựng từ lâu các họng nước chữa cháy chưa được chú trọng, nhiều trụ hư hỏng, không có nước.
Thượng tá Quyến chia sẻ, đối với chung cư cao tầng, nhà tập thể đông dân bắt buộc phải có họng nước chữa cháy đạt yêu cầu. Song ở các nhà trọ, chung cư mini, chưa có quy định bắt buộc; chính quyền địa phương chỉ khuyến cáo, tuyên truyền, khi có vi phạm mới xử lý.
Đêm 12/9, chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bốc cháy dữ dội khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương, nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Sau vụ cháy, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng tổng kiểm tra chung cư mini, nhà trọ trên địa bàn từ 15/9 đến 30/10.