'Doanh nghiệp Việt giỏi chống chịu, nhưng chậm lớn'

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 16:40, 19/09/2023

Theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, nhưng chậm lớn, cần có chính sách khơi thông. Còn bản thân doanh nghiệp muốn được hỗ trợ lãi vay, rà soát các quy định để khơi thông các nguồn lực.

Doanh nghiệp Việt giỏi chống chịu nhưng chậm lớn

Phát biểu tại phiên thảo luận “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực và hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 ngày 19/9, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng nghịch lý.

Đó là, doanh nghiệp (DN) Việt Nam giỏi chống chịu nhưng chậm lớn. Hiếm có nơi nào mà các DN phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam, thường gấp 2-3 lần các nước và kéo dài hàng chục năm.

Nền kinh tế “khát” vốn nhưng lại khó hấp thụ vốn. Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; lạm phát thấp nhưng lãi suất cao…

Chỉ ra nguyên nhân của thực tế trên, PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên làm “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn đến “cơ thể” nền kinh tế bị suy yếu, tổn thương.

PGS. TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu nhưng chậm lớn. (Ảnh: QH)

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập một số vấn đề như chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của DN; các DN sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả; DN tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Theo Phó Tổng Thư ký VCCI, trong bối cảnh các chính sách thu hút đầu tư mà Việt Nam áp dụng từ trước đến nay như ưu đãi thuế đang bị chặn lại do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, thì việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu.

Về phía doanh nghiệp, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ, không phải DN muốn “chậm lớn” mà nhiều DN chân chính, chịu khó đầu tư tìm tòi, học hỏi để ‘lớn’… nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.

Bà Tiên đề xuất, chính sách thuế, tài chính, hỗ trợ lãi vay cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm DN. Cần có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho DN để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.

Đồng thời, bà cũng đề xuất rà soát những quy định, quy định nào còn thiếu thực tế thì chỉnh sửa, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới, hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực DN.

Lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, có nhiều lợi ích nếu thành lập trung tâm tài chính ở Việt Nam như thu hút vốn, thúc đẩy phát triển các ngành liên quan. Do đó, đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách để TP Hồ Chí Minh triển khai trung tâm tài chính.

Điều hành lãi suất khó khăn nhất 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua.

Ông cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là sau 2 năm đại dịch Covid và tình hình sản xuất của thế giới.

Phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 ngày 19/9. (Ảnh: QH)

Theo Phó Thống đốc, điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ. Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý tiền tệ đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế.

“Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các DN”, ông Tú nói.

Ông Tú cũng khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành này, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất, tỉ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý.

Liên quan đến điều hành chính sách tài khóa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí cũng như các loại thu ngân sách nhà nước; thực hiện cải cách hành chính, triển khai hóa đơn điện tử trong một số lĩnh vực.

Bên cạnh đó, thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công; tăng chi để kích cầu nền kinh tế... Qua đó, góp phần giúp cho nhiều DN vượt qua khó khăn; giữ ổn định cho nền kinh tế.

Giải pháp khơi thông nguồn lực 

PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường đầu vào, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường...

“Chuyển ngay giá điện sang giá thị trường. Việt Nam cần chủ động chuyển sang kinh tế số, công nghệ cao, kinh tế xanh… Nên thử nghiệm đặt hàng các tập đoàn kinh tế Việt Nam xây dựng đường sắt hay metro nối sân bay Long Thành với TP HCM như thế mới có thể phát huy nội lực”, ông Thiên nói.

Trong khi đó, GS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các DN hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến DN cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiểu thủ tục quy trình tiếp cận gói hỗ trợ.

Để chính sách bao phủ các đối tượng thực sự, ông Thành cho hay, cần tinh chỉnh chính sách cả về đối tượng và quy mô.

Theo đó, cần giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng DN nhỏ và vừa. Đồng thời, cần tập trung chính sách cho các ngành lĩnh vực có tính lan tỏa, mới có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả.