Review Sóng Ở Đáy Sông – Bộ phim thuần Việt vẫn đong đầy khí chất sau 20 năm
Showbiz - Ngày đăng : 13:25, 05/06/2020
Sống ở đáy sông (2000) là bộ phim đến từ đạo diễn Lê Đức Tiến, dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Lê Lựu. Mình đã đọc sách sau khi xem phim, mới thấy rằng đạo diễn rất tài ba khi chuyển thể từ con chữ trên sách lên thành thước phim đầy ám ảnh.
Thể loại: tâm lý - tình cảm, lấy đi hơi bị nhiều nước mắt đấy..
Gồm 10 tập phim với thời lượng 80 phút/tập.
Diễn viên: Xuân Bắc, Duy Hậu, Kim Oanh, Minh Nguyệt, Mai Hòa, Thu Hường.
CHẤT GIỌNG BẮC ẤM TAI VÀ LỐI NÓI VẦN ĐIỆU
Bối cảnh của phim rơi vào giai đoạn 1954 ở miền Bắc, Việt Nam. Chủ yếu được quay tại thành phố Hải Phòng đỏ rực màu hoa phượng. Dễ bắt gặp cảnh làng quê mộc mạc, đói nghèo và dãy nhà màu vàng giữ nguyên kiến trúc thời Pháp rộng rãi, thoáng mát.
Một nếp sống trong thời kì chuyển giao giữa Pháp – chính quyền Việt Nam năm 1954, được tái hiện sống động trong phim. Bạn sẽ nghe được tiếng trẻ con ê a học tiếng Pháp, hay lối xưng hô Toa-Moa, Cậu-Con (thay cho ba) chẳng hạn. Giọng nói miền Bắc trong phim nghe khá nhẹ nhàng và lịch thiệp, một phần cũng nhờ dàn diễn viên thuộc thế hệ cũ như NSƯT Duy Hậu.
Thậm chí, trong phim có rất nhiều cảnh văng tục, tán tỉnh giữa Núi với các cô vợ hay anh em trong trại cải tạo. Mình vừa xem mà vừa há miệng thán phục khả năng dùng từ tinh tế và uyển chuyển của tác giả. Tuy tục, nhạy cảm nhưng không hề thô chút nào, nghe rất êm tai và điệu nghệ là đằng khác. Ví như cảnh vợ chồng cô Mây, anh Núi chí chóe chửi nhau cả ngày. Nhiều lúc đang anh anh em em ngọt xớt lại chuyển sang chế độ mày - tao - con nặc nô, nhanh như một cơn gió.
ĐÓI ĂN VỤNG, TÚNG LÀM LIỀU
Sống ở đáy sông là câu chuyện về lát cắt trong cuộc sống với mối quan hệ chồng chéo giữa những con người trong gia đình và xã hội với nhau. Bạn sẽ thấy rõ hoàn cảnh nghiệt ngã đã xô đẩy một con người vốn lương thiện, biến hóa thành con thú hoang dưới đáy của xã hội ra sao. Người ta nói đói ăn vụng, túng làm liều là có nguyên do và thật đúng khi áp lên bộ phim này.
Như cái tựa Sóng ở đáy sông, 4 từ ngắn gọn và quá đủ để nói về mạch diễn biến của phim. Dù ở dưới đáy cùng cực của dòng sông, thì con sóng ấy vẫn vỗ vào bờ liên hồi chứ không hề đứng yên. Y hệt hoàn cảnh của Núi, cuộc đời rơi vào biết bao nhiêu cái đáy sâu mà vẫn cố gắng đứng lên thay đổi cho thích hợp với thời thế. Và biến đổi khôn lường trong dòng sông cuộc đời.
BIẾN CỐ GIA ĐÌNH DẪN ĐẾN SỰ ĐỔI THAY
Núi, Sông, Biển là 3 anh em được xếp vào hàng những đứa con loại hai, trong một gia đình tư sản thời cũ. Chủ gia đình là ông Cậu – một viên chức làm ở sở Pháp, mẹ là con ở trong nhà. Bởi vậy, tuy thân phận là con ruột nhưng chỉ được xếp vào một góc nhỏ xập xệ cạnh xó bếp. Luôn luôn phải tuân theo ý muốn và luật lệ của ông Cậu.
Núi là người anh cả rất yêu thương đám em nhỏ. Chính từ ngày mẹ mất, anh phải đứng ra chăm lo cho các em, vì ông Cậu cắt xén bớt phần ăn hàng tháng của chúng. Từ một thanh niên với thành tích học tập loại giỏi, con đường tương lai rộng mở phía trước, Núi lại bị đẩy vào con đường trộm cắp, tù tội.
Ông Cậu hay ông Đại là một người sĩ diện, ki bo, gia trưởng và cực kì hà khắc trong việc dạy dỗ con cái. Cốt là để không bị mất đi cái thanh danh sáng chói ông phấn đấu suốt một đời. Ông cay nghiệt tới nỗi, chỉ vì lời nói dối bỏ học của Núi, ông sẵn sàng từ mặt con, cắt tên khỏi sổ hộ khẩu mà không hề do dự. Có đoạn, ông còn viết lá thư xin cho con được đi tù chung thân, vì sợ Núi gây phiền toái đến mình. Ông Đại chỉ tin yêu, trông cậy vào người con út loại một của ông tên là Ý. Về sau, nhân vật Ý này lớn lên làm ngành hàng hải rất giàu có, thế nhưng lại lép vế trước sự côn đồ hung hãn của Núi.
Ông Đại là nhân vật phản diện, do NSƯT Duy Hậu thủ vai. Bạn sẽ có cảm giác ghét cay ghét đắng ông Đại xuyên suốt bộ phim, mức độ ngày càng gia tăng dần đến tận cảnh kết phim. Chứng tỏ rằng bác Hậu đóng quá tròn vai diễn. Có giai thoại rằng, ngoài đời sống thật bác còn bị người khác buông lời đắng cay mỗi lần chạm mặt. Họ nói sao ông sống trên đời mà ác đến vậy. Đi ăn sáng, ngồi quán xá với bạn bè, bao giờ cũng nhận được những ánh mắt gườm gườm từ người xung quanh.
Quay lại nhân vật Núi. Theo dõi mạch phim bạn sẽ thấy, bản tính thật sự của Núi là một con người tử tế và hiền lành. Thương yêu các em vô điều kiện, luôn đứng ra chịu trận hay bảo vệ để Sông, Biển có cuộc sống tốt đẹp hơn mình. Một mình bồng bế con nhỏ khắp nơi để xin sữa, có thể từ mặt cô vợ Mây đanh đá nhưng không bao giờ bỏ rơi đứa nhỏ.
Núi có biệt tài bán buôn rất mát tay, vậy mà không hiểu sao liên hồi đứt vốn, rồi tới đường cùng đành dở trò cắp vặt. Cho dù hết đi trại cải tạo đến ngồi tù vì tật trộm cắp. Vậy mà Núi luôn được mấy anh cán bộ công an thương yêu, giúp đỡ, sau khi nghe kể về cuộc đời nghiệt ngã của hắn.
Có thể nói rằng đời Núi gặp nhiều éo le trắc trở. Từ ông Đại đến cô Mây, thay phiên nhau xô đẩy anh vào cảnh bần cùng sinh đạo tặc. Tới khi tránh xa dòng người độc hại đó, tức là lúc ngồi tù hay trong trại cải tạo. Ở gần cán bộ thương người, ở gần anh Đông chủ xưởng mộc, anh Tuấn công an hay chị bạn tù đi án oan. Núi lại được trở về sống đúng bản chất lương thiện của mình.
Tuy đời gập ghềnh từ thuở nhỏ đến khi tóc đã lấm chấm sợi bạc. Thế nhưng Núi đã để lại một kết thúc ấm lòng cho người xem. Mình xem một mạch mấy tập liền, vì khó có thể dứt ra được sự lôi cuốn trong tình tiết mà Sóng ở đáy sông đã tạo dựng.
Sưu tầm, MXH