Điểm tin kinh doanh 19/9: Giá vàng bắt đầu tăng
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 19/09/2023
- Giá vàng bắt đầu tăng
Những kỳ vọng lãi suất tạm dừng tăng đã giúp vàng có những bước giá tốt hơn.
Phiên giao dịch hôm 18/9, giá vàng leo lên mức 1.929 USD/ounce, tương đương 57 triệu đồng/lượng. So với phiên cuối tuần, giá vàng đã tăng 200.000 đồng/lượng.
Theo giới phân tích, vàng đang đón được làn sóng tăng giá từ việc thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm ngừng tăng trong tháng 9 này vì lạm phát đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Vàng vốn là tài sản đi ngược với sóng lãi suất. Lãi suất tăng, giá vàng sẽ giảm và ngược lại.
Ngoài ra, sức mua vàng của Trung Quốc vẫn tăng mạnh giúp giá vàng vững chắc. Hiện người Trung Quốc có xu hướng mua vàng để bảo vệ tài sản trước việc đồng Nhân dân tệ đang mất giá.
Hôm 18/9, PNJ và SJC lần lượt bán ra thị trường là 57,7 và 69,25 triệu đồng/lượng.
- Cổ phiếu trụ kéo lùi VN Index về gần mốc 1.200 điểm
Việc 27/30 mã cổ phiếu trong rổ VN30 giao dịch trong sắc đỏ khiến VN Index mất lực đỡ vào lao dốc mạnh phiên hôm 18/9.
Thị trường chịu áp lực giảm ngay từ những phút đầu của phiên sáng. Đặc biệt, lệnh bán tập trung vào nhóm CP blue-chip khiến cho VN Index rơi vào trạng thái giảm trong toàn bộ thời gian giao dịch.
Tuy nhiên, chỉ số này chỉ thật sự “rơi tự do” trong phiên chiều khi tốc độ xả hàng gia tăng mạnh ở nhóm CP trong rổ VN30 như: VHM, BID, VCB, CTG, VPB, VIC, GVR, MSN, VRE, SAB, MWG, VNM, VIB, GAS, MBB, BCM, HDB, PLX, ACB, FPT, VJC…
Theo thống kê, nhóm CP kể trên đã khiến cho VN Index mất đi 17,2 điểm. Phía ngược lại, 2 mã tăng giá trong rổ VN30 là SSI và STB chỉ giúp cho chỉ số này “níu giữ” lại chưa đầy 0,2 điểm.
Kết phiên hôm 18/9, VN Index giảm 15,55 điểm (tương đương 1,27%) xuống 1.211,8 điểm. Toàn sàn HoSE có 399 mã giảm, 122 mã tăng và 44 mã đi ngang.
Đáng lưu ý là thanh khoản thị trường cũng tụt giảm mạnh với 845 triệu CP khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 19.769 tỷ đồng. Trên cả 3 sàn, tổng giá trị giao dịch đạt chưa đầy 22.600 tỷ đồng.
Hút dòng tiền mạnh nhất trong phiên là nhóm các CTCK như SSI (900 tỷ đồng), VND (709 tỷ đồng), VIX (592 tỷ đồng).
Khối ngoại sau phiên mua ròng nhẹ cuối tuần trước cũng quay sang bán ròng trên cả 3 sàn. Cụ thể, NĐTNN bán ròng 482 tỷ đồng trên sàn HoSE, 111 tỷ đồng trên sàn HNX và 12 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Theo thống kê, nhóm CP bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất có sự xuất hiện của 3 mã thuộc “họ” Vingroup là VIC, VRE và VHM. Ngoài ra, khối ngoại còn bán ròng mạnh các mã như SSI, VPB, HPG, FPT, GVR, VND.
- Giá gạo xuất khẩu hạ nhiệt, giá cà phê tăng kỷ lục
Trong khi giá gạo xuất khẩu đang hạ nhiệt, thì giá cà phê đang tăng kỷ lục, thiết lập mức giá cao nhất trong 30 năm trở lại đây.
Theo báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang có xu hướng hạ nhiệt, dao động khoảng 3 - 4% so với 1 tuần trước, mức giảm tương đương 15% - 16%.
Cụ thể, báo cáo cập nhật tới ngày 15/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm còn 613 - 617 USD/tấn; ltương tự gạo 25% tấm mất mức 600 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn, xuống còn 598 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 7 USD về 611 USD/tấn, 25% tấm sụt 13 USD về 550/USD một tấn so với tuần trước đó. Tuy khoảng cách với gạo Thái Lan đã thu hẹp hơn, gạo Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận mức giá cao nhất thế giới.
Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam, nguồn cung dần ổn đỉnh chính là yếu tố giá gạo hạ nhiệt trong 2 tuần trở lại đây. Trong đó, Chính phủ Ấn Độ mới đây cho biết, lệnh cấm xuất khẩu đã giúp quốc gia này đảo bảo nguồn cung đầy đủ với các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì.
Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ Bộ Lương thực Bangladesh, nước này có đủ lượng gạo dự trữ, hiện khoảng 1,7 triệu tấn, để cung cấp cho người dân giữa bối cảnh giá gạo thế giới và trong nước tăng cao.
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuần trước tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Đơn cử, tại An Giang, giá các loại lúa như OM 18 từ 7.800 - 8.200 đồng/kg, Đài thơm 8 ổn định ở mức từ 7.800 - 8.200 đồng/kg; OM 5451 từ 7.700 - 8.100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.700 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.300 - 9.450 đồng/kg.
Trong khi giá gạo xuất khẩu đang hạ nhiệt, thì giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng. Hiện, giá cà phê Việt Nam đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Ghi nhận tại thị trường trong nước, giá cà phê đang duy trì ở mức 67.000 - 68.200 đồng/kg. Cụ thể, tại Đắk Lắk hiện có giá bán là 67.800 đồng/kg; tại Lâm Đồng, mức giá trung bình là 67.200 đồng/kg; tại Gia Lai là 67.600 đồng/kg và tại Đắk Nông là 68.200 đồng/kg. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá cà phê nội địa của Việt Nam đã tăng khoảng 36%.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê xuất khẩu cũng duy trì ở mức rất cao. Trong đó, cà phê Arabica dẫn đầu đà tăng của nhóm với 7,06%, giá Robusta theo ngay sau với mức tăng 6,19% so với tham chiếu. Kết tuần, giá cả hai mặt hàng đều ở mức cao nhất trong 1 tháng.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, giá cà phê ở mức cao có thể không duy trì lâu. Hiện nay, Brazil và Indonesia, hai quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới đã có nguồn cung từ niên vụ mới và đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch cà phê niên vụ mới vào quý 4 năm nay, góp phần bổ sung lượng lớn cà phê cho thị trường.
- Hai ứng viên mới HĐQT Eximbank là ai?
Cổ đông Eximbank bầu thêm 2 thành viên mới vào HĐQT nhiệm kỳ hiện tại. Một ứng viên HĐQT xin rút lui tại đại hội.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 18/9, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã: EIB) đã thực hiện bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, nhà băng này nhận được đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng, do đó lãnh đạo ngân hàng quyết định triệu tập đại hội bất thường nhằm bầu bổ sung 2 thành viên.
Danh sách ứng viên được các nhóm cổ đông đề cử vào ban quản trị kỳ này gồm 3 người là ông Trần Tấn Lộc, ông Nguyễn Cảnh Anh và ông Võ Văn Dũng. Đây là các cá nhân đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Trong đó, ông Nguyễn Cảnh Anh đang là Tổng Giám đốc CTCP Amya Holdings. Vị này trước đó từng làm qua nhiều vị trí tại các công ty như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Vingroup, Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực.
Ông Trần Tấn Lộc đang là Tổng Giám đốc Eximbank. Ông gia nhập ngân hàng từ năm 1990 đến nay và từng đảm nhận nhiều vị trí như thư ký HĐQT kiêm Phó chánh văn phòng HĐQT, Phó Tổng Giám đốc thường trực, Tổng Giám đốc kiêm người quản trị công ty.
Ông Võ Văn Dũng gia nhập Eximbank từ năm 1996, từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác tại ngân hàng như: Trưởng phòng quản lý tín dụng Sở giao dịch TP HCM; Phó Phòng Quản lý rủi ro Hội sở; Trưởng phòng quản lý nợ...
- Lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng giảm về "đáy" giai đoạn COVID-19
Một số ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV đã đưa lãi suất huy động 12 tháng xuống còn 5,5%/năm. Đây là mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank đã đồng loạt giảm 0,2 – 0,3 điểm % lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Trong đó kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 5,5%/năm.
Tương tự, theo biểu lãi suất được công bố trên website Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), BIDV đã đưa suất huy động cao nhất còn 5,5%/năm kể từ ngày 18/9. Với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất là 3,5%, giảm 0,3 điểm % so với lần điều chỉnh gần nhất.
Việc một số ngân hàng đưa lãi suất huy động 12 tháng xuống còn 5,5%/năm được xem là mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn COVID-19.
Liên quan đến thực tế lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua, giới phân tích nhận định hiện hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Việc lãi suất huy động duy trì đà giảm kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm.
Cũng tính đến thời điểm hiện tại, Vietinbank là ngân hàng duy nhất trong Big 4 vẫn giữ nguyên lãi suất huy động. Đối với khách hàng cá nhân, tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng - trên 36 tháng được triển khai trong khoảng từ 3 - 5,8%/năm.