Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:58, 17/09/2023
Để không xảy ra tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức và tăng cường công tác quản lý thu, chi, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn có văn bản về việc chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Sở này yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại các khoản thu tại đơn vị. Đối với các khoản thu chưa đúng quy định, yêu cầu hoàn trả lại. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu. Công khai việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh Tuyên Quang cũng vừa ban hành văn bản về việc thực hiện các khoản thu trong năm học này. Cụ thể, UBND tỉnh Tuyên Quang giao trách nhiệm cho Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện đúng quy định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí. Trong đó gồm, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu cơ quan quản lý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định của Chính phủ.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu.
Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị, trường học không thu trái quy định; tăng cường kiểm tra. Theo đó, Sở GD&ĐT Phú Yên sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu; đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định của Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn liên quan đến quản lý thu - chi đầu năm học để các nhà trường thực hiện cũng như phụ huynh có cơ sở để giám sát.
Theo đó, 9 khoản tiền nhà trường được phép thu đầu năm học 2023 - 2024 gồm: Thu, chi phục vụ bán trú; thu, chi học 2 buổi/ngày; thu, chi học phẩm; thu, chi nước uống học sinh; thu bảo hiểm y tế học sinh; thu chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường; thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; thu chi tài trợ; các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi các khoản thu khác phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn.
Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng quy định 26 khoản thu trong năm học mới 2023-2024, các khoản thu này thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.
Khoản thu nào trong trường học thường gây tranh cãi?
TS Vũ Việt Anh - chuyên gia tâm lý, Giám đốc Học viện Thành Công cho rằng, hiện nay các khoản thu trong trường học thường gây tranh cãi tập trung ở 4 khoản thu: Các quỹ trường, quỹ lớp; Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa; Hoạt động bảo vệ, vệ sinh, nước uống, các sửa chữa các cơ sở vật chất.
Theo TS Vũ Việt Anh, để hợp thức hóa các khoản thu này, các trường học đều sử dụng hình thức thỏa thuận với cha mẹ học sinh để thu. "Mặc dù là thỏa thuận nhưng vẫn cần phải quản lý, giám sát.
Các cơ quan quản lý giáo dục cần phải ban hành các quy định cụ thể để phụ huynh biết được các khoản thu nào bắt buộc và khoản thu nào không được thu. Nhiều khi phụ huynh không nắm rõ, nhắm mắt làm ngơ các khoản thu được nhà trường gợi ý trước đó.
Đối với các nhà trường cần nêu cao tính minh bạch của người đứng đầu. Hiệu trưởng phải làm rõ tính cần thiết từ các khoản thu xã hội hóa và các khoản thu này phải vì mục đích giáo dục học sinh. Đặc biệt, các khoản thu không được chồng chéo với các khoản thu theo quy định của Nhà nước".