Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ: Bao giờ hết lo?

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:11, 16/09/2023

Vụ hơn 141 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vào ngày 13-9 vừa qua là một ví dụ điển hình về tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) thức ăn đường phố. Nhiều người lo ngại và đặt câu hỏi: phải chăng công tác quản lý thức ăn đường phố hiện nay còn đang bỏ ngỏ?


Một quán ăn lề đường trên đường Hậu Giang, quận 6, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tiện nhưng nhiều tiềm ẩn

Dạo quanh các trường học, khu công nghiệp, cổng bệnh viện trên địa bàn TPHCM có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong, xe đẩy bán đủ loại đồ ăn, thức uống đã làm sẵn. Nhiều xe chở đồ ăn chỉ dùng tạm bợ vài tấm ni lông để trùm qua loa; thậm chí có xe còn không che đậy, bất chấp khói xe, bụi bặm, ruồi nhặng... Nhiều người vô tư ngồi bệt trên miệng hố ga, cạnh đống rác, rồi múc đồ ăn, thức uống bán cho khách.

Dù biết không đảm bảo ATTP nhưng rất nhiều khách hàng, phần đông là công nhân lao động chen chân mua, ăn cho kịp giờ làm. Anh Nguyễn Hùng Cường, nhân viên Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) chia sẻ: “Dù biết thức ăn không đảm bảo vệ sinh, nhưng cũng phải tặc lưỡi, nhắm mắt cho qua. Ăn để còn kịp giờ làm”.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hà Nội, hiện thành phố có hơn 76.800 cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, trong đó khoảng 10.000 cơ sở thức ăn đường phố.

Còn tại TPHCM, theo Ban Quản lý ATTP, trên địa bàn có hơn 13.500 điểm kinh doanh thức ăn đường phố với khoảng 15.850 người tham gia kinh doanh. Nhìn nhận thực trạng thức ăn đường phố hiện nay, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM, cho rằng, do thuận tiện, giá thành rẻ nên thức ăn đường phố luôn thu hút được nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh ưu thế trên là những mối nguy hại khó lường cho sức khỏe người tiêu dùng.

“Qua kiểm tra giám sát cho thấy, nhiều nơi việc tuân thủ các quy định về ATTP và ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa cao. Công tác quản lý ATTP gặp nhiều khó khăn, nhất là việc kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm của người kinh doanh thức ăn đường phố không dễ dàng. Khi có lực lượng kiểm tra thì họ thực hiện nghiêm nhưng lực lượng chức năng rời đi là tái diễn vi phạm”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.



Một quán ăn lề đường trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng, nguy cơ thức ăn đường phố gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng rất cao, bởi nếu được chế biến bằng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm. Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì.

Ngày 15-9, Thanh tra Bộ Y tế ra quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Kinh doanh thương mại Việt Mỹ (tỉnh Nam Định) 24 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Cục ATTP (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng. Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Hơn 3.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Đà Nẵng được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cập nhật vị trí trên bản đồ an toàn thực phẩm của thành phố để người tiêu dùng, khách du lịch biết và lựa chọn.

Thiếu đồng bộ trong quản lý

Theo quy định của Bộ Y tế, người kinh doanh thức ăn phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn vệ sinh ATTP gồm: đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải...

Quy định là vậy, nhưng hầu hết các gánh hàng rong, xe đẩy, quán ăn vỉa hè hiện nay không đáp ứng các tiêu chuẩn trên.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), cho biết, mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó đa số là do sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn nguy hại. Các loại vi khuẩn như E.coli, tả, thương hàn... lưu hành, tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau và thức ăn đường phố được coi là những ổ vi khuẩn nguy hiểm nhất.

Để đảm bảo ATTP với thức ăn đường phố, rất cần đến vai trò giám sát của người dân, bởi cơ quan quản lý không thể phát hiện được hết. Đối với những người kinh doanh thức ăn đường phố phải chủ động nâng cao trách nhiệm trong đảm bảo ATTP vì sức khỏe cộng đồng. Mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức về ATTP, hạn chế ăn uống vỉa hè, nơi công cộng và kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý về các hàng quán không tuân thủ điều kiện về ATTP.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện các vụ ngộ độc do thức ăn đường phố chủ yếu là thực phẩm giá rẻ, phục vụ công nhân lao động, người thu nhập thấp. Chính vì vậy mà rất nhiều chợ tự phát vẫn tồn tại. Cần thiết có chính sách bình ổn để đưa hàng hóa giá bình ổn đến nhiều hơn với công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp.

"Chúng tôi sẽ ngăn chặn thực phẩm bẩn, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Nhưng nếu chỉ có cơ quan quản lý nhà nước thì chưa đủ, quan trọng là ý thức của người dân, của người kinh doanh, buôn bán”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP), phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố như: không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ; thức ăn không được che đậy ngăn bụi bẩn, có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín.

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: người trực tiếp chế biến thức ăn đang bị mắc bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp; sử dụng phụ gia thực phẩm không phù hợp quy định pháp luật để chế biến thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn và vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.