‘Anh Năm Vịnh’ trong tôi

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 09:30, 16/09/2023

Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nhớ về những kỷ niệm 10 năm làm việc với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh…

Mặc dù không làm việc gần nhau và cùng nhau nhưng tôi có khá nhiều kỷ niệm với anh Năm Vịnh (tên gọi thân mật của Thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh), đặc biệt là 10 năm khi tôi làm Giám đốc Bệnh viện Quân y 175.

Lĩnh ấn tiên phong trong công tác gìn giữ hòa bình LHQ

Cho đến bây giờ rất nhiều người vẫn hỏi tại sao Bệnh viện Quân y 175 lại là đơn vị lĩnh ấn tiên phong, là Bệnh viện Dã chiến cấp hai số một (BVDC 2.1) tham gia công tác gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (GGHB-LHQ) đầu tiên?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng tác giả đón Toàn quyền Australia Sir Peter Cosgrove trong chuyến thăm và tiễn Bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình LHQ. Ảnh: tác giả cung cấp

Từ những năm 2010-2011, câu chuyện GGHB-LHQ đã được rục rịch, tới 2011-2012 thì mọi việc có vẻ khẩn trương hơn trong các phát ngôn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ và thường nói với nhân viên Bệnh viện về việc Thủ trưởng Bộ Quốc phòng lựa chọn Bệnh viện Quân y 175 lĩnh ấn tiên phong xây dựng BVDC 2.1 thực sự là một may mắn, vinh dự và tự hào.

Đầu năm 2014, trong chuyến công tác phía Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhắn tôi qua ăn cơm, trong bữa cơm, Thượng tướng có trao đổi với tôi và Đại tá Trần Quốc Việt lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Bệnh viện về tính khả thi nếu Bệnh viện Quân y 175 đảm nhận trách nhiệm này. Thực sự tôi rất bất ngờ và khó nghĩ. Như đoán được tâm trạng của tôi, Thượng tướng nói: “Ông không cần phải trả lời tôi ngay đâu, cứ về bàn bạc với Thường vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc rồi báo cho tôi”.

Trong bữa cơm tôi cũng cân nhắc và suy nghĩ rất nhanh. Trước hết là cảm nhận được tâm huyết, trách nhiệm của Thủ trưởng mà đặt vấn đề kiểu này tức là giao nhiệm vụ rồi. Thứ hai là tại sao Thủ trưởng lại đặt vấn đề với Bệnh viện Quân y 175? Thứ ba là mình chưa hiểu biết gì về công tác này, không có cơ sở để trả lời có hay không! Thứ tư là Bệnh viện lúc này đang bộn bề rất nhiều nhiệm vụ: Công tác đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, Y tế biển đảo, kiện toàn tổ chức biểu biên chế, bắt đầu các dự án cải tạo và xây dựng bệnh viện. Cuối cùng là bản thân vừa nhận nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện, có rất nhiều công việc cấp bách cần giải quyết, đặc biệt là công tác tổ chức nội bộ.

Đã không nhận thì thôi, nhận mà không hoàn thành thì quả thật là “vấn đề”. Mình bây giờ cũng là cấp Tướng rồi, quyết liệt nhưng cũng phải thận trọng, chắc chắn. Trong bữa ăn tôi tiếp tục dò hỏi và tìm hiểu về những thông tin liên quan cũng là để “câu giờ”.

Cái siết tay thật chặt của Thứ trưởng

Trước khi ra về tôi nói: “Báo cáo Thứ trưởng, Bệnh viện Quân y 175 xin nhận nhiệm vụ, em sẽ về bàn bạc với Thường vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc có công văn báo cáo Bộ”. Tôi cảm nhận được thái độ của Tướng Vịnh khi ấy.

“Vấn đề Thủ trưởng đặt ra chúng em coi như mệnh lệnh rồi, khó khăn thì vừa làm vừa học thôi, Trường Sa gian nan là vậy mà Bệnh viện Quân y 175 cũng đáp ứng được yêu cầu (thực sự giai đoạn đầu việc đảm bảo y tế cho Trường Sa cũng vô cùng khó khăn, phức tạp), không biết lần này có gì đặc biệt không nhưng em cũng làm Giám đốc BVDC của Bệnh viện 175 từ 1998, cũng xuất quân đi nhiều nơi rồi, chỉ có điều chiến trường mới thì hoàn toàn chưa biết gì. Em cũng thích đối diện với thử thách, thử thách là cơ hội mà, đây là vấn đề hoàn toàn mới mẻ chắc chắn cũng sẽ rất thú vị”, tôi giải trình thêm với Tướng Vịnh.

Cái siết tay thật chặt của Thứ trưởng cho tôi một quyết tâm cao hơn và tràn đầy hứng khởi, háo hức, tôi nghĩ mặc dù Tướng Vịnh chưa thể thật an tâm nhưng chắc chắn cũng thấy ấm lòng.

Đúng là vạn sự khởi đầu nan! Lúc đó Trung tâm Gìn giữ Hòa bình còn chưa có văn phòng làm việc chính thức cho nên tất cả đều trong một “mê hồn xa lộ thông tin” là hết sức bình thường. Cũng có nhiều điều phải suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo lắm!

Tinh thần tư tưởng cần phải xác định rất rõ trong Thường vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện. Phải hiểu được nhiệm vụ chức năng, yêu cầu, biên chế, tổ chức. Vừa làm vừa học hỏi, dựa trên biên chế tổ chức bệnh viện dã chiến sẵn có của chúng ta làm bộ khung. Rất nhiều cơ quan, rất nhiều cuộc họp để ra được một Biểu biên chế, vận dụng phù hợp các chức danh.

Công tác tuyển dụng là vấn đề khó khăn và thử thách hơn. Tinh thần tư tưởng, trình độ năng lực, ngoại ngữ (tiếng Anh), sức khỏe và sự tham gia của lực lượng nữ quân nhân cũng là yếu tố nhạy cảm. Ngoài ra còn liên quan đến thời gian huấn luyện, nội dung huấn luyện, cường độ huấn luyện, rất nhiều nội dung mới lạ về quốc tế, luật pháp, tôn giáo, tiêu chuẩn, tiêu chí, nguyên tắc làm việc tổ nhóm, các vấn đề liên quan về phòng chống quấy rối tình dục, kỹ năng sinh tồn…

Trong khi đó, hoạt động đối ngoại của Bệnh viện Quân y 175 với các đối tác nước ngoài với nhiều lĩnh vực, cường độ cao, nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý, nhân lực và nguồn tài chính.

Tổ chức một đơn vị hoạt động như BVDC 2.1 trong lòng bệnh viện, phối kết hợp vận hành của các cơ quan, đặc biệt là khi hoạt động độc lập, xa Tổ quốc, trong thời điểm điều kiện của Bệnh viện Quân y 175 lúc đó là vô cùng khó khăn.

Tất cả khó khăn dần được tháo gỡ bằng tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cùng các cơ quan Bộ Quốc phòng dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của anh Năm Vịnh, Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, Cục Gìn giữ Hòa bình.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và phút thư giãn với niềm đam mê âm nhạc bên cây guitar gỗ, sau chuyến đi thăm và kiểm tra công tác y tế biển đảo Trường Sa năm 2016. Ảnh: tác giả cung cấp

Các cuộc họp trong Nam, ngoài Bắc, giao ban, kiểm tra, diễn tập, đoàn ra, đoàn vào  liên tục được tổ chức…

Trong quá trình triển khai hoạt động BVDC 2.1 tại Bentiu-Nam Sudan chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo của anh Năm Vịnh “vượt rào” phái bộ,  triển khai hàng loạt các hoạt động “dân vận”. Gần dân địa phương với nhiều hình thức, chữa bệnh cho nhân dân, vườn rau xanh, ẩm thực Việt Nam, văn hóa-thể thao…đã trở thành “Đặc sản của Bộ đội Việt Nam” được bạn bè quốc tế rất trân trọng, mến phục.

Thời khắc thiêng liêng

Nam Sudan tháng 11/2019. Khi bài hát Tiến Quân ca được đoàn quân nhạc nước ngoài cử hành, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên bầu trời trong xanh đầy nắng, các chiến sĩ Mũ nồi xanh của BVDC 2.1 căng ngực, kiêu hãnh ngẩng cao đầu hát vang Quốc ca trong buổi lễ trao Huy chương GGHB-LHQ. Hàng trăm sĩ quan, nhân viên của LHQ, các màu da, màu tóc, màu mắt đứng chào Quốc kỳ Việt Nam. Tôi thực sự cảm động, vô cùng tự hào không kìm nổi dòng nước mắt hạnh phúc trong thời khắc thiêng liêng ấy.

Vậy là đã 10 năm gắn bó với công tác gìn giữ hòa bình, 5 thê đội Bệnh viện Dã chiến của Việt Nam đã lên đường sang Nam Sudan trong đó Bệnh viện Quân y 175 chủ trì tổ chức công tác huấn luyện tiền triển khai ba thê đội.

Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Quân y 175 còn đồng hành cùng anh Năm Vịnh trong công tác Đối ngoại quân sự, dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, rà phá bom mìn, công tác biên giới, đặc biệt là công tác huấn luyện, đào tạo với hàng chục đoàn ra, đoàn vào, với nhiều hình thức đào tạo mỗi năm.

Hiện Bệnh viện Quân y 175 có khoảng 150 cán bộ nhân viên có trình độ IELTS từ 5.0 -8.0. Kết quả này có được là do nhận được ủng hộ mạnh mẽ, chỉ đạo sát sao của anh Năm. Nhiều lần được tháp tùng anh Năm Vịnh đi công tác, tôi cũng học hỏi ở anh rất nhiều về cách tư duy, nhìn nhận và tiếp cận vấn đề, cách nói và cách viết…

Nén tâm nhang tiễn biệt

Ngày 10/2/2023, anh ký tặng tôi quyển sách “Người Thầy”, quyển sách nói về vị tướng tình báo Đặng Trần Đức. Câu chuyện kể về người thầy, người cha đỡ đầu đã huấn luyện, đào tạo, dạy dỗ anh Năm từ anh lính mới tò te trở thành Tư lệnh ngành Tình báo, mối quan hệ cấp trên-cấp dưới, đồng chí-đồng đội, thầy-trò, học làm người, làm nghề, những chiến công của ngành tình báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Và tháng 6/2023, tôi được mời tham dự lễ khánh thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh  (ông đã mất khi anh Năm chưa đủ 10 tuổi). Tôi không muốn bàn luận về vấn đề gì khác, chỉ có thể nói một điều: “xúc động”.

Đây là một lời nói cảm ơn đầy đủ và ý nghĩa nhất đối với người cha và người thầy của  mình, một việc làm chẳng phải dễ dàng gì. Bất chợt, tôi nhớ đã đọc được câu ở đâu đó, “…trở thành người tử tế thật khó, chí ít cũng phải có lòng biết ơn…”.

Đặc biệt hơn nữa, hai công trình này đều trong trạng thái chạy đua với thời gian khi anh nói “quỹ thời gian” của anh không còn nhiều khi hàng ngày vẫn chịu sự đau đớn, dày vò của căn bệnh, tác dụng phụ do xạ trị và hóa trị.

Do đặc điểm, tính chất, nhiệm vụ của công việc, tôi có cơ hội tiếp cận, phục vụ các đồng chí lãnh đạo cao cấp, các vị tướng lĩnh Quân đội, Công an. Nhưng một điều tôi luôn cảm thấy thú vị, may mắn và hạnh phúc là được gặp gỡ ba vị tướng tình báo huyền thoại, đó là Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (Hai Nhạ), Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) và Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung).

Tuy thời gian với các vị tướng tình báo không có nhiều, nhưng trong mỗi câu chuyện ở họ, mình lại cảm nhận được rất nhiều điều. Mỗi người một đặc điểm, một tính cách, một phong thái nhưng đều có chung một điều gì đó rất cuốn hút, rất thuyết phục. Có lẽ đó là điều khác biệt để làm nên sự đặc biệt.

Kể câu chuyện này, tôi không có dụng ý so sánh nhưng 10 năm làm việc với anh Năm Vịnh cũng là một kỷ niệm đặc biệt trong đời binh nghiệp của tôi.

Xin lấy bài viết này thay cho nén tâm nhang tiễn biệt anh, xin cảm ơn về tất cả -  Thủ trưởng, Người Anh, Người Bạn đã đồng hành với Bệnh viện Quân y 175 và tôi trong thời gian qua.

Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Miền Nam, Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương