Độc đáo Lễ hội Phá trằm, cả trăm người lội bùn bắt cá
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:26, 16/09/2023
Tháng 7 âm lịch hàng năm, đến với thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, du khách sẽ được tham dự Lễ hội Phá trằm bắt cá. Lễ hội này có lịch sử hơn 300 năm, được xem là ngày hội thuần nông của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu.
Trằm (bàu nước) Trà Lộc, nơi diễn ra lễ hội có diện tích mặt nước khoảng 10ha, rất nhiều cá, tôm sinh sống, nhiều nhất vẫn là cá lóc, cá rô và cá diếc…, xung quanh là rừng nguyên sinh và thảm thực vật rộng chừng 100ha; ngày nay là khu du lịch sinh thái được du khách yêu thích.
Trước ngày phá trằm, trưởng làng sẽ thông tin sự kiện này rộng rãi để mọi người biết cùng tham gia. Ngoài quan niệm dự lễ hội Phá trằm để lấy lộc, cải thiện bữa ăn cho dân làng, Phá trằm còn là dịp nạo vét, vệ sinh, thay đổi nguồn nước để cảnh quan trong hồ luôn được trong sạch.
Tại Lễ hội Phá trằm Trà Lộc, khi các cụ cao niên của làng thực hiện xong phần lễ cúng trời đất, 3 hồi trống vang lên báo hiệu phần hội bắt đầu. Hàng trăm người dân, du khách sẽ dùng các ngư cụ truyền thống như nơm, rớ, rập… để xuống trằm bắt cá. Tuyệt đối không dùng kích điện, vật sắc nhọn.
Theo ông Lê Quang Diệu, Trưởng thôn Trà Lộc, đây là lễ hội văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn, mỗi năm chỉ diễn ra một lần. Gọi là Phá trằm nhưng thực chất chỉ là việc xả nước bắt cá làm thực phẩm sau những ngày mùa vất vả.
Cá bắt được trong Lễ hội Phá trằm sẽ thuộc về người dân và họ xem đây là "lộc trời". Có nhiều người bắt được 40-60kg cá từ lễ hội này.
Hằng năm, Lễ hội Phá trằm tại Quảng Trị thu hút hàng ngàn người đến xem, cũng như trực tiếp tham gia bắt cá.
Đối với họ, đánh bắt ít hay nhiều không quan trọng, mà quan trọng chính là được hòa mình vào không khí vui vẻ, qua đó hiểu nhau hơn về việc bảo vệ thiên nhiên. Điều đặc biệt là họ chỉ bắt cá, tôm to mang về; còn loại cá, tôm nhỏ sẽ được thả lại trằm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hải Lăng, Lễ hội Phá trằm là một hoạt động văn hóa đã có từ lâu đời tại thôn Trà Lộc. Hiện nay, chính quyền địa phương đang nỗ lực phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội này để thu hút sự tham gia của người dân trong vùng và du khách thập phương.
Ảnh: Đặng Minh Tú