Đà Nẵng thừa nhận khó trong kiểm soát an toàn thực phẩm hàng rong, vỉa hè
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:45, 15/09/2023
Xử phạt hàng trăm cơ sở nhưng hàng rong thì vẫn khó
9 tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành của TP Đà Nẵng đã thanh tra, kiểm tra 15.171/20.940 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố (đạt tỉ lệ 72,45%), xử phạt vi phạm hành chính 214 trường hợp với số tiền 624.124.000 đồng.
Tuy nhiên, thực tế việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại Đà Nẵng vẫn gặp khó khăn. Bởi, trên 85% sản lượng rau quả, thủy sản và thịt mà thành phố tiêu thụ được nhập từ ngoại tỉnh qua nhiều khâu trung gian phân phối. Mặt khác, các cơ sở kinh doanh rau, trái cây ở chợ Đầu mối Hòa Cường cũng thường xuyên thay đổi nhà cung cấp nên việc lập các chuỗi cung ứng để giám sát và thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm phát hiện không an toàn gặp khó khăn.
Đặc biệt, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết, tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất hạn chế chưa đảm bảo an toàn thực phẩm nên việc ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng chất cấm còn hạn chế.
Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ tiệc cưới lưu động, phần lớn hoạt động ngoài giờ hành chính vào ban đêm, sáng sớm, ngày thứ bảy, chủ nhật và thường thay đổi địa điểm nên việc quản lý, thanh tra, kiểm tra không thuận lợi.
Nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm thường vào mùa du lịch, lễ hội, đối với TP Đà Nẵng mùa cao điểm du lịch vào mùa hè, nắng nóng, độ ẩm cao khiến thực phẩm nhanh hư hỏng dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự cố an toàn thực phẩm. Trong khi, Đà Nẵng cũng chưa có trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu vẫn chưa được hình thành do chưa có cơ sở hạ tầng được công nhận phù hợp ISO 17025.
Có hộ bán hàng ăn 3 năm không bị kiểm tra
Một khó khăn khác của ngành an toàn thực phẩm Đà Nẵng là thiếu nhân lực. Báo cáo 9 tháng đầu năm 2023 của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng nêu rõ, việc thực hiện quản lý an toàn thực phẩm ở cấp quận huyện và xã phường còn khó khăn, hạn chế do phần lớn công chức chuyên trách là kiêm nhiệm, đồng thời số lượng cơ sở phân cấp quản lý nhiều.
Bằng chứng là nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, bán hàng rong, vỉa hè do địa phương quản lý nhưng có nơi chưa bao giờ bị kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Anh Nguyễn T (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, bạn anh từng mở quán ăn vặt nhưng 3 năm không có ai đến kiểm tra gì về an toàn thực phẩm. Người bạn này cũng chẳng đăng kí kinh doanh hộ gia đình, không cần giấy tờ an toàn thực phẩm gì cả.
Một phần là vì quán hoạt động từ 17h đến 22h mỗi ngày, đây là thời gian không có lực lượng nào đi kiểm tra. Phần khác, cứ như theo thường lệ, nếu quán hoạt động buôn bán không có việc gì, không có phản ánh thì sẽ không bị kiểm tra. Trong khi mỗi ngày ở mỗi địa phương đều có thể "mọc" lên không biết bao nhiêu hàng quán vỉa hè, hàng rong. Địa phương có muốn quản lý, kiểm tra cũng không "chạy" theo nổi.
Vậy để thấy, thiếu nhân lực và hàng quán vỉa hè vẫn là một phần của kinh tế xã hội đang gây ra những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.