Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ký ức bữa cơm ngày chiến thắng
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 07:22, 15/09/2023
Trong cuộc trao đổi với VietNamNet tháng 7 vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể lại câu chuyện:
Năm 1975, Tướng Văn Tiến Dũng điện thoại ra mời bà Nguyễn Thị Cúc (vợ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) vào dự lễ chiến thắng 15/5 tại Sài Gòn, nhưng bà từ chối. Các ông xin phép bà cho các con vào.
Nghe tin mấy chị em đang ở Sài Gòn, ông Ba (ông Lê Duẩn) gọi đến nhà ăn cơm, ông cho xe đến đón. Gần đến nơi (khi ấy ông đang ở nhà khách của TW Cục tại Làng Đại học Thủ Đức), lực lượng bảo vệ nơi ông ở rất nghiêm ngặt, các anh nói là đều từ miền Bắc mới hành quân vào.
Qua nhiều trạm gác mới đến nơi ông ở, một ngôi biệt thự nhỏ nhưng rất yên tĩnh. Cách bài trí vẫn còn nguyên vẹn của chủ cũ, chỉ có chồng sách và tài liệu trên bàn là mới của ông sử dụng.
Ngày Đại thắng nghĩ đến người đã hy sinh
Mấy chị em ngồi phòng khách chờ một lát, ông bước ra, bộ pijama cũ, dáng đi vội vàng: “Thôi thôi ngồi vào ăn cơm…”, rồi ông cùng mấy chị em ăn bữa cơm đạm bạc. Tôi để ý thấy ông ăn rất nhanh, hình như món gì, ngon dở cũng không để tâm. Suốt bữa cơm ông cứ lơ đễnh như đang nghĩ chuyện gì khác xa xôi.
Dáng ông ngồi hơi cúi, một tay tì vào bàn, đầu hơi nghiêng về một bên, mắt ông nhìn qua đầu mấy đứa trẻ về một điểm vô định nào đó ở rất xa… Rồi như chợt nhớ, ông quay lại câu chuyện: “Mẹ các cháu thế nào? Mệ có khoẻ không?”. Rồi ông trầm ngâm: “Ngày chiến thắng bác rất nhớ ba cháu, giá mà anh Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) còn sống mà ngồi đây thì niềm vui thật trọn vẹn… Tiếc là mẹ các cháu không vào được để dự lễ mừng chiến thắng…”.
Rồi ông kể rất nhiều chuyện về ông Thanh, không có câu chuyện nào về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, mà toàn là những kỷ niệm xưa cũ, khi hai ông mới gặp nhau lần đầu tiên và những năm tháng cùng làm việc trong Bộ Chính trị trước khi ông Thanh mất.
Rồi ông đột ngột dừng câu chuyện, đứng dậy: “Thôi các cháu về, nhớ lo sức khoẻ cho Mệ, cho Bác gửi lời thăm Mẹ”, rồi ông vào nghỉ.
Hôm ấy tôi cứ thắc mắc, bác Ba có nhiều con, cũng cùng trang lứa, đều là bạn với chị em tôi, mà khi đó không thấy ai được vào với ông, được ăn với ông bữa cơm trong những ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng, thế mà chúng tôi lại được cái hạnh phúc và may mắn ấy. Rồi mấy chú kia cũng vậy, con cái các chú cũng đều là bạn của chị em tôi, nhưng chỉ có chị em tôi được ưu tiên như thế.
Mặc dù không ai nói ra nhưng tôi hiểu, là thời đó, vào ngày Đại thắng người ta nghĩ đến những người đã hy sinh trước, rồi mới đến vinh quang của bản thân và niềm vui của gia đình mình…
Tình cảm sâu sắc thủy chung
Cuối năm 1975, ông Ba Duẩn đến thăm gia đình tôi tại nhà 34B Lý Nam Đế. Khi đó là mùa thu, ông mặc áo khoác mỏng, quấn khăn len. Ông vào thẳng phòng riêng của mệ nội trên tầng hai để thăm mệ.
Chợt nhìn thấy cái giường của mệ nội bên dưới đệm trải cái chiếu rách, trên có cái ruột chăn bông cũng cũ, ông hỏi gắt: “Trời lạnh thế này mệ có mỗi cái đệm cũ và cái ruột chăn bông đủ ấm sao được?”. Mệ nội thủng thẳng: “Thôi cũng tàm tạm”. Ông Duẩn lại hỏi: “Sao lại để mệ nằm chiếu rách thế này?”.
Rồi ông quay sang quắc mắt nhìn ông Minh Châu, Phó Văn phòng Trung ương và ông Đỉnh, Trưởng phòng Sinh hoạt (kiểu như phòng Hậu cần bây giờ): “Sao các anh lại để cho mệ sống thế này?”.
Rồi ông khóc, nước mắt ông chảy làm mấy cán bộ đi cùng xanh mặt, còn cụ bà thì bảo: “Không có chi, mệ bình thường thôi, nếu mà có thì thỉnh thoảng cho thêm vài túi kẹo, cái bánh cho thằng Vịnh nó ăn thôi”.
Lúc ấy, mẹ tôi thì cứ khóc, tôi không hiểu vì sao. Tiễn ông Ba về, mẹ từ cổng quay vội vào, đi như chạy lên gác, tôi chạy theo, nghe thấy mẹ to tiếng với bà nội: “Mệ làm như thế là làm nhục cả gia đình, nhục cả con, nhục cả anh Thanh. Nhà mình có thiếu đâu mà mệ giả nghèo, giả khổ thế này?”.
Té ra bà nội biết ông Ba đến, bà đem chăn, màn, quần áo sạch nhét vào chậu giặt đổ nước vào, xong để đồ rách cũ trên giường. Bà nội ân hận lắm, nói với mẹ: “Thôi mệ xin lỗi, tau thấy nhà mình còn nhiều chỗ thiếu chăn màn, quần áo mấy đứa có gì đâu. Tau làm thế để ông ấy cho mình thêm một ít”. Trời ơi mẹ tôi giận, đó cũng là lần duy nhất tôi thấy mẹ tôi to tiếng với bà nội.
Chiều hôm ấy các chú bên Văn phòng TW mang sang chăn màn, quần áo nhưng mẹ tôi nhất quyết không nhận, bảo: “Các anh mang về giúp tôi, nếu không thì đóng gói để đấy chiều tôi mang sang cảm ơn và xin lỗi anh Ba. Nhà tôi có thiếu đâu, vì thương các cháu mà mệ nghĩ quẩn và làm như thế”.
Xong mẹ tôi dẫn mấy ông kia vào xem đống đồ bà nội giấu. Mấy chú vò đầu bứt tai: “Xin chị nhận cho, không thì chúng tôi chết. Cũng xin chị đừng nói gì với anh Ba, chúng tôi càng chết!”. Nhưng mẹ tôi khăng khăng: “Không thể thế được, các anh cứ cầm về đi, tôi không thể nhận”. Cuối cùng thỏa hiệp với nhau là các chú cầm về, mẹ tôi cũng không đến gặp ông Ba, coi như chuyện đã qua.
Đấy là lần duy nhất tôi thấy con dâu to tiếng với mẹ chồng. Thật là khổ tâm và oan uổng cho mẹ vì việc làm của bà, nhưng không hiểu sao tôi vẫn không giận bà nội, chỉ thấy một điều đáng nhớ là tình thương của ông Ba với bà nội, tình cảm sâu sắc thủy chung của các ông trong hoàn cảnh không có thời gian để mà quan tâm đến nhau.
Thời gian sau, một hôm người giúp việc nhà ông Ba sang nói với mẹ tôi: “Chị có tiêu chuẩn mua một chiếc xe Babetta”. Chiếc xe bán phân phối có mấy chục đồng, nhưng là cả một tài sản quý giá, chị Hà (con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - PV) được sử dụng, cả nhà đều mừng.
Xe máy khi đó hiếm lắm, chỉ Ủy viên Trung ương mới được mua, nhà tôi thì đương nhiên không có tiêu chuẩn. Khi đi nhận xe mới biết là khi Văn phòng báo cáo ông Ba được phân phối một chiếc xe (hình như cho chị Muội), ông đồng ý nhưng nói thêm: “Nhớ dành thêm một tiêu chuẩn cho con chị Cúc”…