Điểm tin công nghệ 15/9: Người dùng phải mất gần 1 triệu đồng để dùng cổng Lightning trên iPhone 15
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 15/09/2023
- Người dùng phải mất gần 1 triệu đồng để dùng cổng Lightning trên iPhone 15
Sau khi tích hợp cổng USB-C mới cho dòng iPhone 15 vừa ra mắt, Apple đã ra mắt bộ chuyển cổng USB-C thành Lightning với giá 939.000 đồng.
Sau nhiều ngày chờ đợi, Apple mới đây đã ra mắt 4 mẫu iPhone 15 mới với thiết kế đục lỗ hiện đại và chuyển sang sử dụng cổng USB-C để thay thế cho Lightning.
Tuy nhiên, với những người dùng muốn tiếp tục sử dụng cáp Lightning trên các mẫu iPhone mới nhất thì “nhà Táo” cũng mang đến một giải pháp đó là bộ chuyển cổng USB-C thành Lightning. Dù vậy, giá bán của phụ kiện này không hề rẻ.
Trên Apple Store Online Việt Nam, phụ kiện chuyển từ cổng USB-C sang Lightning được niêm yết với giá 939.000 đồng, miễn phí vận chuyển. Nó đi kèm với cáp bện chống rối và gia tăng độ bền.
Apple cho biết phụ kiện này sẽ hỗ trợ công suất sạc tối đa 24W và tốc độ truyền tải dữ liệu 480 Mb/giây. Nếu muốn sạc nhanh hơn, Apple khuyến cáo người dùng nên sử dụng dây cáp USB-C để kết nối trực tiếp điện thoại với sạc nhanh tương thích.
- Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm và làm việc tại Viettel Mozambique
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có buổi làm việc tại Movitel – thương hiệu Viettel tại Mozambique, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hoà Mozambique. Báo cáo Phó Chủ tịch nước, đại diện Movitel đã trình bày về kết quả hoạt động và những đóng góp xã hội và người dân Movitel.
Hơn 11 năm đầu tư tại Mozambique, Viettel đã góp phần phổ cập dịch vụ viễn thông, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhờ hạ tầng hơn 35 nghìn km cáp quang, hơn 2 nghìn vị trí trạm BTS (bao gồm 2G, 3G, 4G), phủ sóng đến 92.4% dân số trên lãnh thổ Mozambique. Đến nay, là một trong những nhà mạng lớn nhất Mozambique, Movitel đang chiếm 44,8% thị phần di động với 8,7% thuê bao. Movitel cũng đã đóng góp 294 triệu USD đứng trong top 3 doanh nghiệp đóng thuế VAT cao nhất Mozambique.
Hiện nay, Movitel đang là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số cho Chính phủ và bộ ban ngành Mozambique. Cụ thể, Quốc hội Mozambique đã triển khai sử dụng hệ sinh thái Văn phòng không giấy tờ eCabinet, eOffice và Video conference do Movitel phát triển. Người dân được thanh toán thuế phí qua ví điện tử e-Mola…
- Tin tặc liên tục tấn công Facebook doanh nghiệp Việt Nam
Các doanh nghiệp Việt dùng mạng xã hội để quảng cáo, đang trở thành một mục tiêu sinh lợi của tội phạm mạng.
Theo nhà nghiên cứu Mohammad Kazem Hassan Nejad tại WithSecure, kẻ gian dùng các quảng cáo lừa đảo như là mồi câu dẫn các mục tiêu. Sau đó, chúng chiếm đoạt tài khoản quản trị mạng xã hội của doanh nghiệp.
Việc tội phạm mạng nhắm đến các tài khoản Meta Business (Facebook) không phải là điều mới. Những chiến dịch quy mô của tội phạm mạng như Ducktail hay NodeStealer được đẩy mạnh trong quý 2/2023.
Chiến dịch Ducktail nhắm đến mục tiêu là những cá nhân đang nắm giữ các tài khoản mạng xã hội của doanh nghiệp, qua đó chiếm giữ tài khoản đó. Mã độc được thiết kế để đánh cắp cookie trên thiết bị nạn nhân và khai thác phiên đăng nhập Facebook, đánh cắp thông tin cá nhân như tài khoản và chiếm quyền điều khiển tài khoản Facebook Business (Meta Business).
Nhà nghiên cứu Mohammad nhận định chiến dịch Ducktail khởi phát từ một người Việt Nam. Phía WithSecure cảnh báo loại mã độc được phát tán không phải từ mạng xã hội Facebook mà từ nhiều kênh khác nhau, do đó, người dùng cần hạn chế tải và cài đặt các phần mềm hay ứng dụng từ các nguồn không uy tín.
Hai nhà nghiên cứu bảo mật Sudeep Singh và Naveen Selvan tại Zscaler ThreatLabz cho biết các tài khoản bị chiếm dụng từ chiến dịch Ducktail, được rao bán từ 15 - 340 USD trên thị trường chợ đen.
Tháng 5/2023, Meta cũng ra thông báo về thông tin bảo mật liên quan Ducktail và mã độc tương tự tại Việt Nam.
- HMD Global sẽ ra mắt thương hiệu điện thoại riêng của mình
HMD Global, thương hiệu chịu trách nhiệm hồi sinh điện thoại Nokia, giờ đây cũng sẽ sử dụng thương hiệu riêng của mình cho các sản phẩm điện thoại sắp tới.
Nokia là một thương hiệu mà ai cũng biết đến, nhưng HMD Global mới thực sự là cái tên chịu trách nhiệm cho sự hồi sinh những chiếc điện thoại thông minh Nokia. Tuy nhiên, giờ đây HMD Global cho biết, họ sẽ bắt đầu sử dụng thương hiệu riêng của mình cho điện thoại thông minh.
Thông tin này được đồng sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO HMD Global Jean-Francois Baril chia sẻ trong một bài đăng trên LinkedIn để tiết lộ những mục tiêu tiếp theo của công ty. Điểm nổi bật trong bài đăng chính là thông báo về các mẫu smartphone mang nhãn hiệu HMD, đồng thời ông mô tả bước đi này là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của thương hiệu.
Tuy nhiên, điều này sẽ không đánh dấu sự kết thúc của điện thoại thương hiệu Nokia do HMD sản xuất vì dòng sản phẩm mới sẽ phát triển song song với các thiết bị Nokia và hợp tác với các đối tác khác.
- Việt Nam triển khai tắt sóng 2G từ tháng 12/2023
Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng viễn thông, các nhà mạng cam kết sẽ thực hiện việc khoá các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (thiết bị 2G only) từ tháng 12/2023.
Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Hiện tại, mạng 2G đã lạc hậu, tốc độ, tính năng kỹ thuật đều không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, đồng thời không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ viễn thông.
Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông đã lên kế hoạch để tắt sóng 2G. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Cục Viễn thông đã làm việc với các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam. Các nhà mạng đã cam kết sẽ thực hiện việc khoá các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (thiết bị 2G only) từ tháng 12/2023.
Theo công văn số 4833/BTTTT-CVT (ngày 27/9/2022), Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai kế hoạch tắt sóng 2G trên toàn quốc. Với các phương tiện vận tải dùng thiết bị 2G cũ, việc chuyển sang thiết bị giám sát hành trình 4G là bắt buộc.
Thời gian qua, các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam đã phát triển giải pháp kỹ thuật để có thể loại các thiết bị thuần 2G, 3G ra khỏi mạng. Mục tiêu của việc tắt hoàn toàn sóng 2G là để tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia.
Nhờ đó hệ thống mạng 4G sẽ được cải thiện chất lượng, tối ưu chi phí vận hành và khai thác, phục vụ tốt hơn cho người dân.