Cách nuôi dạy này khiến những đứa trẻ có xu hướng tự ti và ích kỷ khi lớn lên
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 15:23, 14/09/2023
Trong cuộc sống có một kiểu người đặc biệt độc đoán và nóng nảy, dù làm gì cũng phải theo ý mình, nếu không sẽ mất bình tĩnh. Trên thực tế, tính cách thực sự của một người bị ảnh hưởng lớn nhất bởi gia đình gốc.
Có một kiểu nuôi dạy con của cha mẹ khiến trẻ dần hình thành sự "ảo tưởng về quyền lợi". Đặc điểm rõ ràng nhất của tính cách này là: Tôi có thể có được bất cứ thứ gì tôi muốn.
"Tôi không quan tâm điều bạn nghĩ, tôi chỉ quan tâm điều tôi nghĩ", đó là phương châm của kiểu người này.
Ảnh minh họa
Trẻ có tính cách "ảo tưởng về quyền lợi" thường có những đặc điểm sau
Không thể chấp nhận việc bị nói "không"
Nếu trẻ đưa ra yêu cầu mà chúng ta cảm thấy không hợp lý hoặc không đồng ý, trẻ sẽ khóc và mất bình tĩnh. Trẻ lớn hơn thậm chí có thể ném đồ đạc.
Đặt nhu cầu của bản thân lên hàng đầu
Khi thấy món gì ngon, trẻ không nghĩ đến việc chia sẻ mà luôn thỏa mãn bản thân trước.
Không thể hoàn thành những nhiệm vụ cần phải làm
Khi được giao một nhiệm vụ, trẻ không thể hoàn thành mà tỏ ra nửa vời hoặc thường bỏ cuộc giữa chừng.
Nếu không đạt được mục tiêu nào đó, sẽ dễ chán nản và bỏ cuộc
Nếu làm việc gì đó không tốt hoặc không biết cách thực hiện, trẻ sẽ mất bình tĩnh và bỏ cuộc thay vì nghĩ cách làm sao cho tốt.
Yêu cầu người khác làm mọi việc theo cách của mình
Trẻ không quan tâm đến cảm xúc và quyền lợi của người khác, bỏ qua các nguyên tắc miễn đạt được mục đích của mình.
Khả năng tự kiểm soát kém và không có khả năng trì hoãn sự hài lòng
Khả năng tự chủ kém và không muốn chịu vất vả trước khi có thành quả cũng là những biểu hiện của tính cách ảo tưởng về quyền lợi.
Tại sao trẻ "ảo tưởng về quyền lợi"?
Trẻ ảo tưởng về quyền lợi có xu hướng ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân mình mà không quan tâm đến người khác, đôi khi trẻ cảm thấy tự ti vì bị người khác không ưa. Kiểu này được hình thành chủ yếu liên quan đến cách nuôi dạy gia đình.
Nuông chiều
Trẻ em được cho bất cứ thứ gì chúng muốn, cha mẹ đáp ứng những nhu cầu của con dù hợp lý hay vô lý. Kiểu nuôi dạy con này có thể nói là nguyên nhân rõ ràng nhất dẫn đến ảo tưởng về quyền lợi. Cách nuôi dạy này sẽ khiến trẻ cảm thấy rằng tất cả mọi người đều phải nghe lời mình. Trẻ cũng hình thành ảo tưởng rằng "mình có sức mạnh vô hạn".
Ngoài ra, nếu chúng ta không yêu cầu trẻ chịu trách nhiệm về công việc riêng, học tập, việc nhà,… trẻ sẽ không học được khái niệm "tương hỗ" và coi việc người khác chăm sóc hay đáp ứng nhu cầu của mình là điều hiển nhiên, không phải đáp lại.
Trẻ bị thiếu hụt yêu thương
Ngoài ra có một kiểu trẻ rất nóng nảy và sẽ tức giận nếu không hài lòng một điều gì đó. Nhưng hoàn toàn không phải do được nuông chiều nên sinh hư, mà xuất phát từ một nguyên nhân khác. Đó chính là "sự bù đắp".
Khái niệm này có nghĩa là, khi một người cực kỳ thiếu một thứ gì đó, anh ta sẽ thu thập rất nhiều theo hướng ngược lại để bù đắp. Một số trẻ em vì bị cha mẹ bỏ rơi về mặt tình cảm từ khi còn nhỏ, thiếu tình yêu thương, sự quan tâm, không thiết lập được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với cha mẹ nên cảm thấy vô cùng cô đơn và tức giận. Quá sợ bị tước đoạt một lần nữa, chúng trở nên đòi hỏi và kiểm soát để bù đắp cho cảm giác thiếu thốn của mình.
Những trẻ có ảo tưởng về quyền lợi cũng thường có tính khí thất thường, khi lớn lên dễ xảy ra mâu thuẫn, xích mích với người khác. Cùng với việc thiếu kỷ luật tự giác, không có khả năng kiềm chế bản thân, trẻ sẽ khó đạt được thành tựu trong tương lai. Chúng cũng có ít tham vọng trong sự nghiệp và thậm chí không sẵn sàng hoàn thành những nhiệm vụ cần thiết, điều này khiến trẻ dễ gặp khó khăn về tài chính.
Không ai chịu nổi một người có sự ảo tưởng về quyền lợi. Cuối cùng ngay cả người thân thiết cũng trở nên xa lánh hoặc thậm chí cắt đứt quan hệ. Nếu chúng ta không muốn con mình phát triển tiêu cực theo cách này, cần thay đổi cách nuôi dạy ngay từ nhỏ.
Khi một đứa trẻ cư xử không tốt hoặc đưa ra những yêu cầu quá mức, chúng ta cần hướng dẫn trẻ nhìn thấy nhu cầu và cảm xúc của người khác, khơi dậy sự đồng cảm, tránh ảo tưởng rằng "Mình có quyền tuyệt đối".
Hãy để trẻ làm những gì trẻ có thể làm mà không cần can thiệp. Con bạn vẫn liên tục ra lệnh cho bạn, chẳng hạn như "Mẹ ơi, con muốn uống nước", "Mẹ ơi, giúp con lấy sữa", "Mẹ ơi, giúp con đóng cặp đi học". Hãy học cách buông bỏ và để con tự làm.
Dù trẻ có khóc hay không làm thì bạn cũng phải thực hiện một cách kiên quyết để trẻ thấy được thái độ cứng rắn và biết rằng bố mẹ sẽ không can thiệp. Ban đầu trẻ làm chậm một chút, nhưng điều quan trọng là trẻ phải dựa vào chính mình, chịu trách nhiệm và trưởng thành từng bước một.
Theo Phụ Nữ Số