Cảnh rùng mình trong chung cư mini: Thang thoát hiểm bị dây diện giăng chéo
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:00, 14/09/2023
Diện tích khiêm tốn, giá cả phải chăng, chung cư mini là lựa chọn tối ưu của nhiều sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình, thấp. Tại TP.HCM, loại hình căn hộ trên thường nằm trong các hẻm sâu, hẹp gần các trường đại học, khu công nghiệp.
Nhiều chung cư mini không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tuy nhiên, do giá cho thuê rẻ, sẵn có nội thất, các chung cư này luôn đắt khách.
Quyết định đón mẹ từ quê lên TP.HCM sống cùng, anh L.H.N. (30 tuổi, quê Bến Tre) chọn thuê căn hộ nhỏ trong chung cư mini nằm trên đường Lê Đình Cẩn, quận Bình Tân. Trước khi xuống tiền đặt cọc, N. cũng tìm hiểu về nơi mình sắp sinh sống.
N. cho biết, chung cư khá cũ nhưng các căn hộ bên trong vừa được cải tạo. Tòa nhà khá cao, bên trong được thiết kế thành 2 dãy căn hộ nhỏ, có diện tích từ 15-30m2.
Hai dãy căn hộ mini này được ngăn cách bằng hệ thống thang bộ, thang máy ở giữa. Phía trước các căn hộ có hành lang nhỏ, chỉ đủ để 2 người tránh nhau. Tại mỗi tầng, chung cư bố trí bình chữa cháy mini ở gần cửa ra vào thang máy.
Dẫu vậy, do diện tích chật hẹp, khu vực này thường bị người thuê trọ tận dụng để bỏ các loại rác, vật dụng hỏng. Chung cư có ban công ở phía trước và được khách thuê tận dụng làm chỗ phơi quần áo.
Trên sân thượng, có 2 sân phơi rộng ở phía trước, sau. Tại đây, chung cư cũng bố trí cầu thang thoát hiểm bằng sắt dạng xoắn ốc. Tuy nhiên, cầu thang này rất hẹp, gần như chỉ đủ 1 người di chuyển.
Đặc biệt, nơi đây bị nhiều loại dây cáp, dây điện… giăng ngang. Phía sau chung cư không bố trí bất kỳ lối thoát hiểm nào mà bị bịt kín 3 mặt bằng lưới rào B40.
Em L.H.P. (sinh viên năm thứ 3 một trường đại học tại TP.HCM) cũng chọn thuê trọ tại chung cư mini gần trường. Để đến phòng mình, P. phải đi qua lối dẫn vào tòa nhà nhỏ hẹp, tối om.
Sau đó, nam sinh viên tiếp tục đi cầu thang bộ với tay vịn cũ kỹ, gỉ sét để lên căn phòng rộng khoảng 15m2 trên tầng 5. Chung cư này thực chất được cải tạo từ tòa nhà 5 tầng, có diện tích lớn của người cho thuê.
Tương tự chung cư mini trên đường Lê Đình Cẩn, tòa nhà này cũng không có hệ thống cửa sổ. Bên ngoài chỉ có những ô cửa nhỏ để lấy sáng. Thậm chí phần sân thượng còn bị bịt kín bằng những tấm tôn đã han gỉ.
Người thờ ơ, kẻ cam chịu
Vợ chồng anh N.H.T. (40 tuổi) thuê trọ ở 1 chung cư mini trên đường Bình Giã (quận Tân Bình) được hơn 1 năm. Các căn hộ ở đây rộng từ 14m2 và có giá thuê từ 3 triệu đồng/tháng.
Ngoài việc mặt tiền trông rất sạch sẽ, khang trang, 2 mặt chung cư mini này không có cửa sổ. Chung cư trang bị các bình chữa cháy nhỏ nhưng không bố trí thang thoát hiểm.
Đa số các chung cư mini tại TP.HCM hiện nay đều được xây dựng dạng “nhà ống” với nhiều căn hộ diện tích lớn, nhỏ bên trong.
Các hành lang, lối đi chung tại mỗi tầng lầu của dạng chung cư này cũng thường nhỏ hẹp, chỉ khoảng 1,2m, vừa đủ cho 2 người tránh nhau một cách khó khăn. Nhiều tầng lầu cũng không được xây dựng, thiết kế, bố trí những loại đèn PCCC theo quy định phòng khi cúp điện hay cháy nổ…
Sinh sống trong không gian chật hẹp, thiếu nhiều tiện ích, người thuê chung cư mini mang tâm lý, suy nghĩ khác nhau khi được hỏi về nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Không ít người thờ ơ và cho biết chưa từng nghĩ đến nguy cơ này.
Trong căn phòng 20m2 treo đầy quần áo, vật dụng gia đình, mẹ con chị V. tỏ ra bất ngờ khi được phóng viên đề cập đến nguy cơ cháy nổ. Chị V. cho biết mình chưa bao giờ nghĩ đến việc này vì thấy chung cư có bảo vệ túc trực, hệ thống điện hiện đại…
“Tôi thấy bình thường thôi, không thấy có nguy cơ gì cả. Phòng xây bằng tường gạch, dây điện âm tường, mỗi tầng lại có bình chữa cháy mini. Hơn thế, tôi nghĩ ai cũng tự ý thức được việc phải cẩn thận, đề phòng cháy nổ nên không lo lắng”, chị V. nói.
Chị cũng tự tin vì chung cư mini mình đang sinh sống nằm ở mặt tiền đường nên nếu xảy ra chuyện chẳng may, lực lượng chức năng sẽ đến ứng cứu kịp thời.
Trong khi đó, khi được hỏi, nữ sinh viên sống ở căn hộ bên cạnh tỏ ra e ngại.
Nữ sinh cho biết, thông qua báo chí có biết đến những sự việc cháy nổ, gây thương vong lớn tại chung cư. Để tự bảo vệ mình, mặc dù ban quản lý chung cư cho phép nấu ăn bằng bếp gas nhưng cô chỉ sử dụng bếp điện.
Trái ngược với suy nghĩ của chị V., mẹ con anh H.N. cảm thấy lo lắng khi nhận thấy các lối đi tại chung cư khá chật chội, lối thoát hiểm rất hẹp.
Nhiều khách thuê trọ khi được hỏi cũng có cùng nỗi lo như anh N.. Họ cho rằng, với thiết kế dạng ống, hai bên không có cửa sổ, cầu thang thoát hiểm nhỏ hẹp, nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ rất khó thoát thân.
Tuy nhiên, họ tỏ ra bất lực và cam chịu trước những nguy cơ trên. Để giảm thiểu nỗi lo, họ tự nhắc mình phải cẩn thận trong việc sinh hoạt và sử dụng các thiết bị điện.