Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Sự gắn bó tri kỷ

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 07:50, 14/09/2023

Ông Ba Duẩn - Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn được mọi người nhớ đến là một nhà lãnh đạo tài ba, xuất sắc của đất nước ta, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.
LỜI TÒA SOẠN

Tại "Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh" ở ngôi nhà số 81 phố Tân Nhuệ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói với chúng tôi:

“Gia đình không có ý định tôn vinh thêm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chỉ kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của đất nước và quân đội; về một giai đoạn cách mạng, một thời kỳ vàng son của đất nước – thời đại Hồ Chí Minh”.

Đề cập đến những bức ảnh trưng bày tại Bảo tàng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ về dự thảo cuốn sách những câu chuyện qua hình ảnh về người cha của ông. Trong số đó, có những kỷ niệm nói lên sự gắn bó tri kỷ giữa Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…

Trong câu chuyện chia sẻ, tôi muốn nói đến sự gắn bó tri kỷ giữa ông và ba tôi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông Lê Duẩn như một người anh lớn, là người đã giác ngộ, dẫn dắt và gắn bó với Ba tôi trong suốt 30 năm, từ năm 1937 cho đến khi Ba qua đời (năm 1967).

Người thầy cách mạng đầu tiên

Khi thành lập Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế (ngày 6/7/2022), một số vị lão thành cách mạng đã nói với tôi: Cả hai người, Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh, đều khởi đầu từ con đường đấu tranh tự thân, tức là từ đấu tranh chống sưu thuế, chống thực dân áp bức. Rồi từ đó, các ông tự tìm con đường giải phóng cho mình, và cũng là giải phóng cho dân tộc mình.

Dần dần, các ông dấn thân vào con đường cách mạng vô sản và rồi tìm thấy ngọn cờ vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Kể từ năm 1934, ông Nguyễn Chí Thanh đã có 4 năm tham gia đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống áp bức ở quê. Lần mò mãi ông cũng tự tìm được đến rồi bắt liên lạc được với các chi bộ Đảng ở Thừa Thiên - Huế và chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1937.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ chi bộ của một xã, ông được cử vào Tỉnh ủy Thừa Thiên và được cử đi học khóa huấn luyện đầu tiên của Xứ ủy Trung Kỳ tại nhà ông Lê Văn Hiến, do ông Lê Duẩn trực tiếp giảng dạy. Với ông Thanh, đó là những bài học cách mạng đầu tiên, mà cũng là lớp huấn luyện chính quy đầu tiên và duy nhất trong đời ông.

Sau lớp huấn luyện, ông Lê Duẩn được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, còn ông Thanh, từ một bí thư chi bộ, dần được cử lên làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và rồi thay thế ông Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Hai ông đã hội tụ lần đầu tiên dưới ngọn cờ của lãnh tụ Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tân Trào năm 1945. Mặc dù ông Ba không có mặt nhưng hai ông lại cùng có tên trong danh sách Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của Đảng khi đó. Chính vì vậy, ông Thanh luôn coi ông Duẩn là người bạn, người đồng chí, người anh và người thầy cách mạng đầu tiên của mình.

Chung quan điểm về kháng chiến chống Mỹ

Câu chuyện này phải bắt đầu từ Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế năm 1961 tại Moscow (Liên Xô). Hồi đó, bất đồng gay gắt giữa Liên Xô và Trung Quốc ảnh hưởng rất nhiều tới Việt Nam.

Liên Xô thì muốn chúng ta đi theo đường lối xét lại khi đó, chủ trương chung sống và thi đua hòa bình. Còn Trung Quốc lại muốn ta chống lại Liên Xô, nhưng đồng thời lại không muốn ta tiến hành đánh Mỹ ở quy mô lớn, vì sợ rằng chiến tranh sẽ lan sang nước họ và có nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TƯ Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn. Tượng trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội

Khi ấy, trong nội bộ Đảng ta có nhiều ý kiến trái chiều. Riêng ông Lê Duẩn và ông Nguyễn Chí Thanh đều cùng nhất trí quan điểm rằng: “Muốn thắng Mỹ trước hết phải không sợ Mỹ, đồng thời không sợ cả Liên Xô và Trung Quốc". (lời Tổng Bí thư Lê Duẩn thưa với Bác Hồ trong Hội nghị Bộ Chính trị năm 1963).

Trong quá trình xây dựng Nghị quyết 15, hai ông thực sự như người bạn đồng hành. Ông Ba ở chiến trường Nam Bộ, ông Thanh đi từ chiến trường Trung Bộ và đồng thời là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội nên có sự đồng cảm rất lớn. Ông Thanh luôn ủng hộ những quan điểm quan trọng của ông Ba trong Đề cương Cách mạng Miền Nam và cùng đấu tranh để có được Nghị quyết 15 lịch sử.