Bệnh đau mắt đỏ tăng ở TPHCM, dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:29, 11/09/2023

Số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM tăng. Bệnh đau mắt dễ lây lan, tuy nhiên, có thể chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp vệ sinh, ăn chín uống sôi.

Dự báo ca đau mắt đỏ tiếp tục tăng

Theo ghi nhận, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM tăng cao so với các năm gần đây. Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu năm đến nay, số lượt khám vì viêm kết mạc khoảng 72.000 lượt. Trong tuần cuối của tháng 8 vừa qua (28 - 31.8), Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thăm khám 188 trường hợp bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ).

Vừa qua, Sở Y tế cũng xác định tác nhân chính gây bệnh đau mắt đỏ hiện nay tại TPHCM là enterovirus (chiếm 86%), còn tác nhân hay gặp trước đó là adenovirus chỉ chiếm 14%.

Bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hương Sơn
Bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hương Sơn

Trao đổi với Bao Lao Động về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho hay: bệnh đau mắt đỏ thường có 2 - 3 nhóm virus chính gây thành dịch, gồm adenovirus, enterovirus 70 và coxakie A24. Ngoài ra, còn nhiều loại virus khác.

Vì vậy, kết quả xác định của ngành y tế về tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ không phải là vấn đề lạ. Ngành y tế cần tiếp tục khuyến cáo, đồng thời, tuyên truyền để người bệnh không gặp các biến chứng. Bởi khi gặp biến chứng, điều trị sẽ lâu hơn.

"Số ca bệnh sẽ còn tăng bởi chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có miễn dịch nên dễ bị lây. Rửa tay, mang khẩu trang cũng như các biện pháp phòng ngừa khác để làm chậm sự lây lan" - bác sĩ Khanh nhận định.

PGS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y Dược TPHCM) đánh giá tác nhân gây viêm kết mạc enterovirus ít lo ngại hơn tác nhân adenovirus. Viêm kết mạc do enterovirus thường nhẹ hơn, gây ra nhiều ở trẻ và dễ dàng kiểm soát so với adenovirus.

Dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa

Bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân nên thường xuyên rửa tay bởi dịch tiết ở mắt, họng dễ lây truyền virus qua bàn tay. Người bệnh nên mang kính, khẩu trang trong vòng 5-7 ngày. Điều quan trọng là chú ý đến vấn đề chăm sóc mắt, có nghĩa là tránh khói bụi, đeo mắt kính, uống đủ nước nước, tránh dụi mắt quá nhiều.

Phụ huynh nên lưu ý đến trẻ bị đau mắt đỏ, bởi khó chăm sóc hơn. Theo đó, có thể nhỏ thuốc khi trẻ ngủ, khuyên trẻ không dụi mắt.

Biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ. Ảnh: HCDC
Biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ. Ảnh: HCDC

Ngoài những biện pháp vệ sinh thông thường, PGS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo nên ăn chín uống sôi, lưu ý khi sử dụng nguồn nước bởi bệnh đau mắt đỏ do enterovirus có khả năng lây lan qua đường tiêu hóa, ăn uống.

"Đối với những bệnh có liên quan đến thói quen vệ sinh và tỉ lệ mắc dưới 10% dân số, biện pháp phòng ngừa chính là giữ vệ sinh. Điều này sẽ giúp khắc phục và kiểm soát được bệnh" - PGS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Thanh Chân