Điểm tin công nghệ 11/9: Apple sẽ ra mắt iPhone 15 Ultra ‘siêu cấp’ cùng iPhone 15 Pro Max?

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 11/09/2023

Chip nhớ SK Hynix của Hàn Quốc được tìm thấy bí ẩn trong Huawei Mate 60 Pro; Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói gì sau tin đồn cấm iPhone?
screen-shot-2023-09-04-at-11-2-4292-8317-1693801496.png

- Apple sẽ ra mắt iPhone 15 Ultra ‘siêu cấp’ cùng iPhone 15 Pro Max?

Theo như tin đồn, Apple sẽ ra mắt đồng thời hai siêu phẩm iPhone 15 Pro Max và iPhone 15 Ultra tại sự kiện Wonderlust được tổ chức vào ngày 12/9 tới đây.

Thông tin trên được chuyên gia tin đồn Majin Bu đưa ra. Tài khoản X (trước đây là Twitter) của Bu còn tiết lộ, đã có trong tay một bản sao chiếc ốp lưng được cho là của iPhone 15 Ultra.

Những tin đồn trước đó đều chỉ ra iPhone Ultra chỉ là phiên bản Pro Max đổi tên. Tuy nhiên, nếu thông tin của Majin Bu là sự thật thì Ultra thực chất là mẫu iPhone độc lập hoàn toàn mới và còn cao cấp hơn cả Pro Max về cấu hình lẫn giá bán.

Theo như Majin Bu chia sẻ thì thông tin của mình phù hợp với những gì mà các nhà sản xuất ốp lưng tiết lộ. Theo đó, kể từ đầu năm 2023 đã có tin đồn Pro Max không còn là phiên bản iPhone tốt nhất nữa.

Cụ thể, iPhone 15 Pro Max sẽ dùng RAM 6GB cùng bộ nhớ tối đa 1TB. Trong khi đó, iPhone 15 Ultra sử dụng RAM 8GB cùng bộ nhớ tối đa 2TB và sở hữu nhiều tính năng camera tốt hơn.

Đây cũng là tin đồn duy nhất gợi ý về hai siêu phẩm iPhone 15 Pro Max và iPhone 15 Ultra ra mắt cùng nhau. Những tin đồn khác đều tin rằng Apple sẽ giới thiệu bốn mẫu iPhone 15 trong năm nay, bao gồm iPhone 15, iPhone 15 Plus, iPhone 15 Pro cùng iPhone 15 Pro Max.

- Chip nhớ SK Hynix của Hàn Quốc được tìm thấy bí ẩn trong Huawei Mate 60 Pro

Trang Techinsights đã phân tích mẫu smartphone Mate 60 Pro và phát hiện ra rằng Huawei đã sử dụng chip RAM SK Hynix 12 GB LPDDR5, chip bộ nhớ NAND 512 GB.

Chia sẻ với CNN, nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK Hynix nói rằng họ đang cố gắng tìm hiểu làm thế nào hai chip nhớ của công ty lại xuất hiện bên trong Mate 60 Pro của Huawei.

Một số người tin rằng chip nhớ được Huawei mua trên thị trường thứ cấp (không mua trực tiếp từ SK Hynix). Một khả năng khác là Huawei đã dự trữ đủ các linh kiện nói trên trước khi Mỹ thay đổi quy định xuất khẩu.

Techinsights cho biết họ vẫn đang xem xét Mate 60 Pro và nhận thấy hầu hết các thành phần được sử dụng trong thiết bị đều do các công ty Trung Quốc cung cấp.

- Cảnh báo những rủi ro bảo mật khi tích hợp chatbot AI mà doanh nghiệp cần biết

Doanh nghiệp cần thận trọng về việc tích hợp các công cụ AI vào hoạt động kinh doanh khi hacker dễ dàng qua mặt chatbot AI và thực hiện những nhiệm vụ độc hại.

Cơ quan An ninh mạng quốc gia Anh cảnh báo các tổ chức đang tích hợp chatbot AI vào hoạt động kinh doanh, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy các công cụ AI dễ dàng bị dẫn dắt để thực hiện những tác vụ nguy hại.

Trong bài đăng trên blog hôm 30/8, Trung tâm An ninh mạng Vương quốc Anh (NCSC) cho biết, các chuyên gia hiện vẫn chưa thể nắm bắt hết các vấn đề an ninh mạng tiềm ẩn liên quan đến những thuật toán có thể tương tác “giống con người”, được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).

NCSC cảnh báo điều này có thể mang đến những rủi ro, đặc biệt khi các mô hình như vậy được đưa vào quy trình kinh doanh của doanh nghiệp. Các nhà học giả và nghiên cứu gần đây cũng đã liên tục tìm ra cách “đánh lừa” AI, bằng cách đưa cho chúng những lệnh lừa đảo hay phá vỡ các rào chắn bảo vệ được tích hợp sẵn.

Công cụ tích hợp AI tạo sinh đang được sử dụng như chatbot, được cho sẽ thay thế không chỉ các hoạt động tìm kiếm trên Internet mà còn công việc liên quan dịch vụ khách hàng hay cuộc gọi bán hàng.

Công cụ tích hợp AI tạo sinh đang được sử dụng như chatbot, được cho sẽ thay thế không chỉ các hoạt động tìm kiếm trên Internet mà còn công việc liên quan dịch vụ khách hàng hay cuộc gọi bán hàng.

Ví dụ, một chatbot AI được đưa vào sử dụng tại một ngân hàng có thể bị lừa tiến hành giao dịch trái phép nếu tin tặc thiết lập “chỉ dẫn” đúng.

Vì vậy, khi đề cập đến những AI phát hành thử nghiệm gần đây, NCSC cảnh báo “Các tổ chức đang xây dựng dịch vụ xung quanh LLMs cần phải cẩn trọng ở mức độ như họ đang sử dụng một sản phẩm mới trong giai đoạn thử nghiệm (beta)”.

Trong một cuộc khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy có nhiều nhân viên công ty đang sử dụng công cụ như ChatGPT để thực hiện những tác vụ cơ bản như dự thảo mail, tóm tắt tài liệu hay thu thập dữ liệu nghiên cứu ban đầu.

Trong đó chỉ có khoảng 10% nhân viên cho biết cấp trên của họ cấm sử dụng công cụ AI bên ngoài một cách rõ ràng và 25% không biết công ty có cho phép sử dụng công nghệ này hay không.

Ông Oseloka Obiora, giám đốc công nghệ hãng bảo mật RiverSafe nhận định, cuộc đua tích hợp AI vào hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra những “hậu quả thảm khốc” khi lãnh đạo doanh nghiệp không tiến hành những bước kiểm tra cần thiết. “Thay vì chạy theo xu hướng AI, các nhà lãnh đạo nên suy nghĩ kỹ và tiến hành đánh giá những lợi ích cũng như rủi ro và các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ doanh nghiệp”.

- Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói gì sau tin đồn cấm iPhone?

Mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức lên tiếng về tin đồn cấm iPhone tại các cơ quan chính phủ trong thời gian qua.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã đưa ra một tuyên bố chính thức về tin đồn cấm iPhone, tuy nhiên thông tin được đưa ra còn khá mơ hồ và có vẻ sẽ không cải thiện tình hình hiện tại.

Ba ngày vừa qua là khoảng thời gian xao động đối với Apple sau khi có tin đồn cho rằng iPhone không còn được chào đón tại các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Cổ phiếu Apple đã bị ảnh hưởng nặng nề trước thông tin này, mặc dù có khả năng là nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu khi công ty mất khoảng 250 tỉ USD vốn hóa thị trường chỉ trong hai ngày giao dịch.

Một tuyên bố mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như là không đủ chi tiết để dập tắt tin đồn hiện tại.

Trong một tuyên bố mà Apple Insider ghi nhận, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức tuyên bố rằng “sản phẩm và dịch vụ của bất kỳ quốc gia nào đều được chào đón miễn là chúng tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc”.

- Châu Âu buộc Big Tech phải "mở cửa" hàng loạt dịch vụ cho đối thủ cạnh tranh

Theo đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của Liên minh Châu Âu, các công ty Alphabet, Amazon, Apple, ByteDance, Meta và Microsoft sẽ phải mở cửa dịch vụ của mình cho đối thủ cạnh tranh.

Ủy ban Châu Âu đã chỉ định 6 công ty công nghệ lớn gồm Alphabet, Amazon, Apple, ByteDance, Meta và Microsoft làm "người gác cổng" (gatekeeper) theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số. Đây là lần đầu tiên các công ty này bị coi là "người gác cổng" kể từ khi luật này được ban hành vào đầu năm nay.

Ủy ban đã xác định 22 dịch vụ nền tảng cốt lõi do những "người gác cổng" này cung cấp hiện sẽ phải tuân theo quy định gia tăng. Các dịch vụ này bao gồm Windows, LinkedIn, Bing Ads, Google Search và App Store.

Các công ty được chỉ định là "người gác cổng" có 6 tháng để tuân thủ các nghĩa vụ theo DMA nhằm hạn chế hành vi phản cạnh tranh và thúc đẩy thị trường kỹ thuật số công bằng. Theo DMA, những "người gác cổng" được chỉ định phải mở cửa với các đối thủ, cung cấp cho bên thứ ba quyền truy cập vào các dịch vụ nền tảng chính như cửa hàng ứng dụng, hệ điều hành và cơ sở hạ tầng đám mây.

Những người gác cổng cũng sẽ bị cấm sử dụng dữ liệu từ một dịch vụ để ủng hộ dịch vụ khác, chẳng hạn như sử dụng dữ liệu từ nền tảng truyền thông xã hội để mang lại lợi ích cho thị trường thương mại điện tử do cùng một công ty sở hữu.

Cũng theo quy định của DMA, Ủy ban châu Âu có thể chỉ định các nền tảng kỹ thuật số là người gác cổng nếu chúng cung cấp một cổng kết nối quan trọng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng liên quan đến các dịch vụ nền tảng cốt lõi. Các quyết định chỉ định mới tuân theo quy trình xem xét kéo dài 45 ngày do ủy ban thực hiện sau khi có thông báo của Alphabet, Amazon, Apple, ByteDance, Meta, Microsoft và Samsung về vị thế tiềm năng của họ với tư cách là người gác cổng.

Ủy ban cũng đã mở các cuộc điều tra riêng biệt về việc liệu một số dịch vụ nhất định do Microsoft và Apple cung cấp – bao gồm Bing, Edge, Bing Ads và iMessage – có nên được loại khỏi danh sách người gác cổng dựa trên lập luận của các công ty hay không. Theo Neowin, mới đây cả Microsoft và Apple đã vận động EU để loại bỏ danh sách người gác cổng nói trên.

Việt Báo (Tổng hợp)