Chuyện người đàn bà trong căn nhà ẩn sau 6 ngôi mộ

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:00, 11/09/2019

Bà ngả người nhai trầu bỏm bẻm một cách sung sướng. Bà nói, thiếu tiền thiếu gạo còn được chứ thiếu trầu cau thì... chắc chết!

Ngôi nhà trên gò mả

Bà tên Nguyễn Thị Bửu, 84 tuổi hiện cư ngụ tại một gò mả trên đường Võ Ngọc Quận (P.6, TP Tân An, Long An).

Muốn tìm nhà bà không khó. Ngôi nhà khuất sau một hàng mộ xi măng, nhỏ chừng 10m2 được dựng bằng vật liệu nhẹ trên gò đất nhỏ. Xung quanh nhà, nước ao tù đen quánh. Những cây tràm, cây đước chen lẫn trên gò đất giúp bà có nơi phơi móc, treo quần áo sau khi giặt.

Bà Nguyễn Thị Bửu 84 tuổi.

Chúng tôi ghé lại nhà bà vào một buổi sáng. Trước nhà bà, phía bên kia đường là quán cà phê đông khách. Dường như mọi cặp mắt của những người uống cà phê đều nhìn vào nhà bà.

Chúng tôi lách qua hàng mộ, bước lên con đường đất nhỏ được lót bằng miếng thảm cao su để vào trong khuôn viên nhà. Trên khoảng sân hẹp trước nhà, rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Nồi niêu có, thùng bọng có, áo quần phơi trên dây cùng nhiều đồ dùng được vứt lung tung. Nhìn vào trong, nhà vắng người. Chúng tôi cất tiếng gọi nhưng không có tiếng trả lời.

Lách qua khe cửa dõi mắt vào nhà. Bên trong như một kho chứa hàng. Bừa bãi, lộn xộn. Trên giường ngủ chiếc mền còn thòng xuống đất. Mùng vẫn còn thả, chưa cuốn. Cạnh giường ngủ là chiếc võng. Một bàn máy may đậy kín và chiếc TV đời rất cũ đặt ở đó. Chen lẫn trong những thứ ấy là rất nhiều vật dụng cũ kỹ rẻ tiền được bày biện mất trật tự. 

Chúng tôi định quay ra thì một bà cụ bước vào. Bà thấp người, nước da ngăm đen. Bộ quần áo trên người bà đã cũ nhưng lành lặn và sạch sẽ. Bà là bà Bửu - chủ nhà - mời chúng tôi vào. Bà ngồi trên võng, động tác đầu tiên là têm trầu cho vào miệng.

Bà Bửu têm trầu.

Tai bà hơi lãng nhưng bà còn rất minh mẫn. Bà nói với chúng tôi: 'Mấy hôm nay nhờ uống thuốc nam nên chân tôi đã đỡ đau, giờ có thể đi kiếm ăn  được rồi'.

Chúng tôi hỏi bà, 'Chừng tuổi này rồi con cháu đâu mà bà phải khổ cực thế? Bà đưa tay quẹt trầu trên miệng rồi nở nụ cười đáp: 'Con trai thì có dâu, con gái thì có rể. Ở với tụi nó tiếng ra tiếng vào mệt lắm. Tôi ở đây với thằng cháu ngoại nhưng nay nó đi nghĩa vụ rồi, tôi nhớ nó lắm'.

Nói đến đây, bà rưng rưng nước mắt. 'Nó vừa mới gọi điện thoại về cho tôi. Tôi nuôi nó từ nhỏ nên rất thương nó và giờ chỉ mong nó xong nghĩa vụ trở về ở với tôi. Tôi không cần con, chỉ cần đứa cháu này thôi'.

Một kiếp người

Nói đến đây giọng bà chùng lại. Chúng tôi chợt nghĩ đến bà. Tuổi bà đã cao mà lại sống đơn độc trong căn nhà ọp ẹp, bên cạnh là những ngôi mộ như thế này có phải là buồn lắm không? Tôi hỏi bà nhưng bà lắc đầu cho biết, bà đã sống như thế này 40 năm nay rồi.

Ngôi nhà ẩn mình sau 6 ngôi mộ.

Xung quanh ao tù đầy rác.

'Quê tôi ở xã Long Thuận (H. Thủ Thừa), cách đây khá xa. Tôi có một quãng đời thơ ấu đến thanh xuân khá đẹp...Cha tôi là du kích. Ông và bà đều là những người tham gia và cống hiến nhiều cho cách mạng. Ngay từ lúc còn đi học tôi đã tham gia các hội diễn văn nghệ mỗi khi các đơn vị chiến thắng trở về. Có một lần trong lúc đang diễn, bị pháo kích tôi được một người chú bế đi tìm chỗ nấp và sau đó chính ông là người truyền lại nghề may vá cho tôi.

Tôi trở thành thợ may quân trang. Ngoài may những bộ quần áo mới tôi còn vá, sửa áo quần cho anh em bộ đội, du kích. Cuộc sống cứ thế trôi cho đến năm 24 tuổi tôi lấy chồng. Chồng tôi cũng là bộ đội. Cuộc sống ở nông thôn bình dị đã đem đến cho vợ chồng tôi 3 đứa con, trong đó có 1 con trai.

Trong nhà khá bề bộn.

Rồi chiến tranh lại ập đến. Cha và chồng tôi lần lượt trở thành liệt sĩ. Các con tôi cũng theo thời gian lớn lên. Đến năm 1975, đất nước im tiếng súng, tôi phải làm việc để có thu nhập nuôi con. Tôi làm đủ nghề miễn sao có tiền...

Sau đó, tôi được một người quen cho mượn miếng đất này để dựng nhà ở tạm. Nói là tạm nhưng cũng đã 40 năm rồi. Những gì ở quê, tôi để lại cho các con. Từ ngày về đây, tôi sống một mình nuôi thằng cháu ngoại. Mẹ nó đơn thân sinh ra nó rồi lấy chồng bỏ đi biền biệt.

Tôi ít bệnh tật, hàng ngày đi kiếm ve chai, làm cỏ mướn nếu có ai thuê. Thu nhập được vài chục nghìn đủ qua ngày. Thỉnh thoảng bà con giúp chút đỉnh thì có tiền mua thêm thuốc uống. Sinh hoạt hàng ngày tôi tự lo liệu được nên thấy cũng không sao cả', bà nói.

Nghe bà kể, chúng tôi cảm thấy xót xa. Bà có quê hương, có con cháu có nghề nghiệp, có sức khỏe vậy mà về già lại cô độc một mình?

Sau cuộc gặp gỡ với bà, chúng tôi đã đến UBND phường 6. Lãnh đạo phường bận công tác đã ủy quyền cho chị Đoàn Xuyên Tâm Liên, công chức Lao động TBXH tiếp chúng tôi. Chị Liên xác nhận, bà Bửu ở đây đã nhiều năm nhưng chưa nhập hộ khẩu về phường. Tuy vậy, phường vẫn xếp bà vào chế độ nghèo và bà được hưởng các chế độ theo qui định.

Chiếc máy may theo bà từ hồi còn con gái.

Chị Liên cho biết thêm, bà là vợ liệt sĩ nên được địa phương - nơi bà đăng ký hộ khẩu - thực hiện đầy đủ các chế độ theo qui định. Bà được cấp nhà tình nghĩa. Thế nhưng, sau đó bà để nhà này cùng các khoản trợ cấp cho vợ chồng con trai rồi đến đây sinh sống.

Lựa chọn của bà khiến dư luận có nhiều bàn tán. Nhiều người nói, giá như vợ chồng người con trai mời bà về ở cùng để chăm sóc, có lẽ, những ngày cuối đời của bà sẽ đẹp hơn... Tuy nhiên, những chuyện riêng tư khó lòng hiểu hết. Chúng tôi chỉ mong, bà luôn giữ được sức khỏe và nhận được sự quan tâm nhiều hơn của gia đình, người dân và địa phương để quãng đời còn lại của bà sẽ có thêm những tiếng cười.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên Vietnnamnet ngày 18/09/2019   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/chuyen-nguoi-dan-ba-trong-can-nha-an-sau-6-ngoi-mo-o-long-an-568382.html?fbclid=

Trần Chánh Nghĩa