Đại biểu Quốc hội hiến kế trị 'bệnh' núp bóng ban phụ huynh để lạm thu
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:05, 09/09/2023
Lạm thu đầu năm dưới vỏ bọc hoàn hảo là các khoản thu trên tinh thần "tự nguyện" không phải là câu chuyện mới nhưng luôn thời sự, vì thực tế ngành giáo dục vẫn chưa chấn chỉnh được tận gốc vấn đề. Chưa có giải pháp hữu hiệu nên phụ huynh "chỉ biết than trời" khi ngày càng xuất hiện nhiều khoản tiền phải đóng góp.
Có thể thấy, trong thống kê số tiền phải nộp đầu năm, học phí chiếm vị trí khiêm tốn còn các khoản phụ thu thêm thì dài dằng dặc. Nào là quỹ cha mẹ học sinh, tiền hiện đại hóa phòng học, tiền hỗ trợ vệ sinh, tiền ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ... thậm chí còn cả khoản kêu gọi mua sắm laptop, máy in. Bao nhiêu khoản thu là bấy nhiêu gánh nặng đè trĩu vai phụ huynh, đặc biệt là với gia đình nghèo.
Việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là điều chính đáng. Song, nếu phá vỡ ranh giới mong manh giữa xã hội hóa giáo dục và lạm thu sẽ làm dư luận xói mòn niềm tin.
Trị bệnh lạm thu thế nào?
Liên quan đến câu chuyện lạm thu đầu năm học, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, vai trò của một số ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị lạm dụng thái quá, trở thành cánh tay nối dài của nhà trường. Thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, một số trường học đã thu các khoản thu không đúng quy định, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực tế hiện nay một số trường đang "nhờ cậy" ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động, ủng hộ đóng góp các khoản thu dịch vụ. Trong các cuộc hợp, ban đại diện cha mẹ học sinh dành thời lượng rất ít để phản ánh chuyện giáo dục học sinh, hay đề cập các phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục con cái, ngược lại, vấn đề quản lý thu chi lại "chiếm sóng".
Dù có những bất cập, song bà Tú Anh khẳng định, không nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường có thể truyền tải những nội dung nâng cao chất lượng giáo dục hay một số hoạt động thiết yếu của trường để tất cả phụ huynh trong trường, lớp biết.
"Bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh, rồi sao nữa? Liệu việc này có giúp chấm dứt tình trạng lạm thu hay không? Câu trả lời là không", bà nói. Để tránh biến tướng, hệ luỵ xấu cần có cơ chế rõ ràng để hoạt động của ban đại diện phụ huynh không bị lệch thành những người tổ chức thực hiện việc lạm thu, thu tiền không đúng quy định ở trường học.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh nêu 3 vấn đề cần siết chặt nếu muốn "trị bệnh" lạm thu. Thứ nhất, xã hội hóa giáo dục trên nguyên tắc tự nguyện trên cơ sở pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Các trường thu bao nhiêu, các khoản cụ thể phân bổ thế nào cần được phổ biến rõ ràng, minh bạch với phụ huynh, học sinh và công đoàn.
Thứ hai, tổ chức lại hoạt động và trả lại chức năng, nhiệm vụ thực tế của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban phụ huynh học sinh cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học.
Đồng thời, tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh, bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
"Đừng để ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành vỏ bọc cho lạm thu với việc kêu gọi đóng góp và thu tiền, điều này không đúng với chức năng, nhiệm vụ theo quy định", bà Tú Anh nói. Bà nhấn mạnh thêm, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường và tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho ban đại diện phụ huynh là điều cần thiết.
Theo nữ đại biểu, khi có dấu hiệu sai phạm không chỉ hiệu trưởng bị xử lý mà còn cần truy trách nhiệm của trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh. Đôi khi chính bản thân người đứng ra "vận động" đóng góp chỉ nghĩ đơn thuần là đang ủng hộ cho hoạt động học tập của con em. Họ chưa nắm rõ những khoản nào được phép thu và không được phép thu. Đồng thời, phụ huynh cũng cần hiểu được quyền của bản thân theo quy định.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hoặc ủy quyền cho Sở DG&ĐT địa phương, đặc biệt công tác này cần sát sao ở những "điểm nóng" lạm thu mà dư luận xã hội phản ánh.
Cần cơ chế xử phạt "mạnh tay" hơn
Thạc sĩ, luật sư Nông Minh Chiến (đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh đến vai trò của ban giám hiệu, hiệu trưởng trong tất các các hoạt động trong nhà trường. Bộ GD&ĐT đã có quy định liên quan về những khoản nhà trường được phép thu, đồng thời tại mỗi địa phương. UBND tỉnh, thành phố cũng có quy định định chi tiết về việc này với một số khoản thu, do đó, trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng lạm thu sẽ thuộc về nhà trường.
"Nhà trường sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng khi thu các khoản trái quy định của cấp có thẩm quyền. Còn với cán bộ nhà trường sẽ có thể bị xử lý hình sự khi đưa ra mức đóng góp vào khoản nào đó nhưng sử dụng vào mục đích cá nhân hoặc chiếm đoạt", ông Chiến nói.
Theo luật sư Chiến, mặc dù quy định xử lý đã có, nhưng để tránh tình trạng lạm thu tiếp tục tiếp diễn thì các cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe, do mức xử phạt trên còn tương đối thấp. Đồng thời, cần xây dựng kênh phản hồi công khai để nếu xảy ra tình trạng lạm thu ở trường nào, cấp nào, phụ huynh, giáo viên có thể phản ánh trực tiếp kèm theo bằng chứng.
Các vị phụ huynh cũng cần quyết liệt hơn, thẳng thắn hơn yêu cầu cơ chế tài chính chặt chẽ, hóa đơn chứng từ nghiêm túc khi lớp mua sắm bất kỳ trang thiết bị nào trên 1 triệu đồng, đây cũng là cách ngăn lạm thu, ông Chiến nêu thêm.
Theo khoản 2, điều 4 thông tư 55, ban đại diện cha mẹ học sinh có những quyền sau:
Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh theo quy định tại Điều 9 của Điều lệ này (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp;
Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học;
Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp.