Tôi khốn khổ vì phải sống chung với cậu em chồng nghiện cờ bạc
Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 21:15, 07/09/2023
Tôi lấy chồng đươc 6 năm. Chồng tôi chỉ có một em trai. Mẹ chồng tôi qua đời sớm nên một mình mẹ chồng nuôi các con ăn học. Em trai kém chồng tôi 9 tuổi nên được bố chồng vô cùng chiều chuộng. Chồng tôi kể, chú ấy rất giống mẹ nên sau khi mẹ qua đời, bố lại càng yêu thương, dồn hết thương nhớ về mẹ cho chú ấy.
Chồng tôi cố gắng phấn đấu, học hành đàng hoàng, có công việc tốt, rồi lấy vợ sinh con và ở lại thành phố. Em chồng tôi chỉ học hết cao đẳng, rồi đi chạy xe ôm, lái taxi, mãi không có công việc ổn định. Ở tuổi 30, chú ấy vẫn lông bông, sống cùng bố chồng ở dưới quê, cũng không có không vợ con gì cả. Được chiều chuộng, chú ấy trở nên đổ đốn, lại nghe bạn bè xui khiến nên sa vào con đường cờ bạc, cá độ. Dù chồng tôi và bố chồng đã cố gắng ngăn cản, khuyên bảo nhưng chú ấy vẫn chứng nào tật ấy. Nhiều lần, bố chồng và hai vợ chồng tôi đã phải vay mượn ngược xuôi để trả nợ đậy cho chú ấy.
Tôi khốn khổ vì phải sống chung với cậu em chồng nghiện cờ bạc (ảnh minh họa)
Thế nhưng, chú ấy lại không biết điều, thường than thân trách phận, kêu mình không may mắn bằng anh trai. Chú ấy tin rằng chỉ có cờ bạc mới may mắn gỡ được, và biết đâu, nhờ thắng một ván bạc, chú ấy có thể đổi đời. Đỉnh điểm cuối năm ngoái, em chồng đã vay tiền tín dụng đen để cá độ bóng đá. Nợ của chú ấy lên tới gần 1 tỷ đồng, khiến bố chồng phải bán nhà dưới quê để trả nợ cho chú ấy.
Sau khi bán, bố chồng gọi chúng tôi về họp gia đình và mong muốn chúng tôi thông cảm. Bố chồng bày tỏ ý định muốn lên thành phố sống với chúng tôi. Chúng tôi đành đồng ý. Căn phòng chung cư 2 phòng ngủ của vợ chồng tôi phải chứa tới 6 ngưởi, gồm vợ chồng tôi, bố chồng, em chồng và con tôi. Một phòng cho con tôi dành cho bố chồng và em chồng. Ba người nhà tôi chen chúc trong một căn nhà.
Từ ngày lên đây, bố ít nói hẳn. Bố chồng ngày trước ở quê cũng là tổ trưởng tổ dân phố, từ khi con trai sa đà vào nghiện ngập cờ bạc thì cũng ít nói, thu mình hơn hẳn. Khi về ở với chúng tôi, bố xin một chân bảo vệ cho cửa hàng quần áo trước nhà, dù chúng tôi đã cản nhưng ông vẫn muốn đi làm để giảm bớt gánh nặng cho chúng tôi.
Còn cậu em chồng lên ở với anh chị thì vẫn chẳng thay đổi. Chú ấy chạy xe được bữa đực bữa cái. Tiền lương chú ấy giữ, chẳng chịu đóng tiền sinh hoạt chung, toàn trông chờ vào anh chị và bố. Mấy tháng qua, thanh toán tiền điện, nước và chi phí sinh hoạt tôi thấy ngao ngán. Vợ chồng tôi giờ như nuôi thêm một em bé khi người em chồng không có trách nhiệm đóng góp kinh tế, trả nợ hay san sẻ công việc gia đình.
Thậm chí, thỉnh thoảng chú ấy vẫn mua vài tờ vé số, để ăn may trúng được 1 tờ. Chồng tôi đã nhiều lần góp ý nhưng có lẽ mọi lời khuyên ngăn, dạy dỗ với chú ấy giờ chẳng có tác dụng gì. Thậm chí, chồng tôi còn đuổi thẳng cổ chú ấy ra khỏi nhà, vứt hết quần áo, đồ đạc của chú ấy ra ngoài cửa, bảo chú ấy tự kiếm sống, nhưng bố chồng tôi lại quỳ xuống xin cho chú ấy ở lại. Nể mặt bố, chúng tôi đành chịu cảnh sống chung với chú em. Tôi không biết phải chịu đựng cảnh này đến bao giờ. Gia đình tôi vô cùng khổ sở vì người em này. Tôi không biết nên làm gì với chú ấy đây?
Theo VOV.VN