Thông tin về công ty tư vấn lập ĐTM dự án hồ Ka Pét
Nhịp sống - Ngày đăng : 19:24, 07/09/2023
Những ngày qua dư luận xôn xao, bàn tán về Dự án hồ chứa nước Ka Pét ở tỉnh Bình Thuận sẽ lấy đi hơn 600ha rừng. Nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc về công ty thực hiện tư vấn lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, báo cáo ĐTM dự án hồ chứa nước Ka Pét gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để công khai tham vấn cộng đồng cho thấy, đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam, trụ sở tại phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM; đại diện doanh nghiệp là bà Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc công ty.
Theo báo cáo ĐTM, tháng 5/2020, UBND tỉnh Bình Thuận giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận triển khai Dự án hồ chứa nước Ka Pét theo nhiệm vụ, quyền hạn chuyên ngành.
Vào tháng 8/2021 Bình Thuận ủy quyền cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thực hiện các thủ tục liên quan đến báo cáo ĐTM.
Tỉnh Bình Thuận đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam lập ĐTM dự án hồ chứa nước Ka Pét với dung tích chứa 51,21 triệu m3.
Báo cáo ĐTM dự án được coi là công cụ khoa học nhằm phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường khu vực dự án, dự báo các tác động tích cực, tiêu cực, trực tiếp, gián tiếp, trước mắt và lâu dài trong quá trình xây dựng và hoạt động của dự án.
Qua đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong quá trình hoạt động, cam kết thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng chương trình quản lý và giám sát môi trường trong suốt quá trình dự án được đưa vào sử dụng.
Nhóm thực hiện báo cáo ĐTM do ông Hồ Nguyễn Trí Mẫn (Thạc sỹ địa chất, môi trường) làm chủ biên. Ông Phạm Đức Trí (Thạc sỹ Khoa học môi trường) và bà Đặng Thị Mỹ Lan (Thạc sỹ quản lý môi trường) của công ty này làm tư vấn lập báo cáo ĐTM.
Nhiều nhân sự khác của công ty này tham gia viết các chương, mục hoặc phụ trách lấy mẫu hiện trạng môi trường phục vụ báo cáo ĐTM.
Ngoài ra, Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh (trụ sở tại phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM) thực hiện lấy mẫu, đo đạc môi trường nền.
Tháng 12/2020, chủ đầu tư kết hợp với đơn vị tư vấn lập "Báo cáo kết quả kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án Hồ chứa nước Ka Pét".
Vào ngày 28/12/2020, tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm đã diễn ra buổi họp thẩm định hồ sơ báo cáo kết quả kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án hồ Ka Pét.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, báo cáo ĐTM của dự án đã tham vấn cộng đồng trên website của cơ quan này. Hiện nay, Bình Thuận chưa hoàn chỉnh báo cáo ĐTM trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định ĐTM từ UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có quyết định thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá. Thành viên hội đồng thẩm định ĐTM bao gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường.
Theo quy trình, sau khi được phê duyệt ĐTM, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận mới có thể phê duyệt đầu tư dự án.
Từ đó địa phương này sẽ thực hiện những điều kiện về mặt thủ tục để triển khai các bước tiếp theo như thuê đơn vị tư vấn khảo sát, điều tra lập phương án khai thác gỗ, thẩm định giá, đấu giá khai thác lâm sản; trồng rừng thay thế; thiết kế bản vẽ, đấu thầu và xây các hạng mục như đập đầu mối, tràn xả lũ, hệ thống kênh và các công trình khác…
Báo cáo ĐTM nêu rõ, công trình đầu mối Ka Pét gồm đập chính, đập tràn xả lũ, cống lấy nước, công trình điều tiết chuyển nước về hồ và kênh chuyển nước.
Nước từ hồ Ka Pét (kể cả bổ sung từ La Ngà 3) được xả xuống sông, chuyển về đầu mối Hàm Cần ở hạ lưu và một phần nhỏ lưu lượng rất nhỏ được lấy vào tuyến kênh chính Mỹ Thạnh (đi kẹp theo đường quản lý) về khu tưới 127ha của bà con dân tộc xã Mỹ Thạnh.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét là một trong những dự án ưu tiên đầu tư theo Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó trong dự án không có hạng mục công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Để khai thác những lợi ích khác của hồ nêu trên, cần có các biện pháp quản lý hợp lý như: Tích, xả nước hồ theo đúng quy trình vận hành; giữ gìn vệ sinh lòng hồ; trồng và bảo vệ rừng trong lưu vực; có quy hoạch kiến trúc, tạo ra công viên đẹp ở khu vực công trình đầu mối.