Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận: Xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực hơn

Xã hội - Ngày đăng : 16:00, 07/09/2023

Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận khẳng định, mất rừng ai cũng tiếc nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn là tiêu cực.

Chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam. Phát biểu tại cuộc họp, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận cho biết: Hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích hơn 51 triệu m3. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án hơn 874 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2025.

“Sau khi dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư, tỉnh Bình Thuận thấy có 2 luồng dư luận. Người ủng hộ là dân Bình Thuận vì khát, khô hạn và thiếu nước. Tất nhiên, có một bộ phận quý rừng hơn quý nước nên cho rằng, Bình Thuận phá rừng. Cho nên tại cuộc họp hôm nay, các sở ngành, đơn vị phải thẳng thắn, cởi mở, chân tình, nói rõ với nhau. Nếu có những vấn đề không trả lời kịp, chưa có thông tin thì sẽ trả lời sau bằng văn bản, không có né tránh”, ông An nói.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận: Xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực hơn ảnh 1
Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận phát biểu tại cuộc họp.

Người đứng đầu tỉnh Bình Thuận cho rằng, với đặc điểm địa hình Bình Thuận, muốn làm hồ thủy lợi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng. Vị trí 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi đã được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có. Hồ phải chọn địa điểm eo núi, là nơi tụ thủy, địa hình dễ ngăn đập để dung tích chứa nhiều nhất, nhưng ít tổn hại rừng. Tỉnh đã phân tích nhiều phương án, như lòng hồ có thể chứa 60 - 90 triệu m3, hay chỉ 30 - 40 triệu m3. Từ đó, tính toán dung tích tối ưu cho cả nhu cầu tưới tiêu và lưu vực nước là 51 triệu m3.

“Nước là tài nguyên. Rừng cũng là tài nguyên. Giữ rừng cho dân, giữ nước cũng là cho dân. Tuy nhiên, rừng có thể tái tạo được dù rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên. Còn nước thì mình không tự làm ra được. Ai cũng biết, mất rừng sẽ làm suy giảm nước ngầm. Nhưng làm hồ cũng là một hình thức tích tụ nước mặt, làm tăng mực nước ngầm. Khi đề xuất dự án này, tỉnh và các đơn vị liên quan lựa chọn phương án ít tác động nhất, nhưng đem lại hiệu quả cao”, ông An nói.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận cũng khẳng định, dự án nào cũng có tích cực và hạn chế nhưng xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn. Dẫn chứng về vấn đề này, ông An nói hiện chỉ 20% đất nông nghiệp ở Bình Thuận, tương đương 57.000 ha được tưới nước chủ động. Còn diện tích rất lớn chưa được tưới, đặc biệt ở phía Nam như Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi.

Do đó, khoảng 619 ha rừng sẽ trở thành hồ thủy lợi nhưng đổi lại sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho hơn 7.760 ha đất nông nghiệp - gấp 13 lần diện tích rừng bị mất và nước sinh hoạt tới 120.000 dân huyện Hàm Thuận Nam và TP.Phan Thiết. Ngoài ra, dự án còn cấp nước cho các hồ ở hạ du, gián tiếp tưới nước cho hơn 6.200 ha, cung cấp 2,63 triệu m3 nước mỗi năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II. Dự án cũng phòng, chống lũ, lụt, cải tạo môi trường sinh thái cho một số vùng hạ du của tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận: Xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực hơn ảnh 2
Bình Thuận sẽ mất khoảng 619 ha rừng khi xây hồ thủy lợi nhưng đổi lại sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho hơn 7.760 ha đất nông nghiệp.

“Mất rừng ai cũng tiếc, nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Do vậy quá trình đề xuất thay đổi chủ trương đầu tư năm 2023, tỉnh đã cố gắng giảm diện tích rừng đặc dụng xuống thấp nhất, từ hơn 162,7 ha xuống còn khoảng 137 ha”, ông An nói.

Để chuẩn bị báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, Bình Thuận đã khảo sát hiện trạng rừng, trong đó đánh giá diện tích có 3 loại rừng nêu trên. Khi khai thác rừng để thực hiện công trình, Bình Thuận sẽ thuê đơn vị tư vấn đánh giá cụ thể, đo và thống kê từng cây, phân loại cây có đường kính từ 10 cm trở lên. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, rồi mới đưa ra đấu giá qua hai phương thức cây nằm hoặc cây đứng. Toàn bộ tiền được nộp vào ngân sách, tái đầu tư phát triển rừng bền vững.

“Sớm nhất đến quý 2/2024, dự án mới có thể khởi công và hoàn thành sau một năm rưỡi để cấp nước cho dân”, ông An thông tin.