'Nhường chỗ' cho hồ chứa nước Ka Pét, rừng được khai thác và trồng mới thế nào?
Nhịp sống - Ngày đăng : 19:40, 06/09/2023
Ngày 6/9, trong chuyến khảo sát thực địa khu vực rừng sẽ làm dự án hồ chứa nước Ka Pét ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận Lê Thanh Sơn cùng đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra thực tế, đo đạc, xác định lại vị trí của các cây cổ thụ, gỗ quý (lim, căm xe…).
Ông Sơn cho biết, khu rừng lõi của dự án hồ chứa nước này cách xa khu dân cư hiện hữu xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, nơi đây có nhiều tre nứa, cây dầu, xen lẫn rừng sản xuất.
Trước đây, khu vực này đã từng được khai thác, song sau khi Chính phủ đóng cửa thì nơi này được bảo vệ nghiêm ngặt. Cây rừng còn nhiều nhất ở vị trí hai bên sông Bà Bích, nơi dự kiến sẽ làm đập ngăn để tích trữ nước.
Qua kiểm tra, đoàn khẳng định, nhiều cây gỗ quý, cổ thụ, có kích thước lớn như: lim, căm xe... được xác định nằm ngoài diện tích dự án, không bị khai thác.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, trong hơn 600 ha rừng phải khai thác để làm dự án chỉ có 137 ha rừng đặc dụng, 0,51 ha rừng phòng hộ còn lại hơn 440 ha rừng sản xuất.
“Về số lượng cây cổ thụ, cây gỗ quý thuộc loại 1, loại 2 trong rừng nằm trong dự án đã được Chi Cục kiểm lâm rà soát, sẽ được thông tin cụ thể vào buổi họp báo ngày mai”, ông Sơn cho hay.
Sẽ tổ chức đấu giá rừng và trồng mới hơn 1.844 ha
Tại buổi khảo sát thực địa, trao đổi với báo chí, ông Sơn cho biết sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng thì các ngành chức năng tỉnh sẽ được lập phương án khai thác rừng, trình Sở NN&PTNT thẩm định, phê duyệt.
Sau khi duyệt phương án khai thác thì sẽ lập phương án đấu giá. Nhà đầu tư nào trúng đấu giá thì sẽ nộp tiền vào ngân sách nhà ước và tiến hành khai thác lâm sản này.
Theo ông Sơn, việc thống kê trữ lượng và chủng loại gỗ thì tới đây đơn vị tư vấn tiến hành thực hiện và phương án khai thác là phải đo đếm từng cây. Những cây có đường kính từ 10cm trở lên phải được đo đếm thống kê từng cây và phải có đơn vị tư vấn xác định giá trị của các chủng loại gỗ.
“Trồng rừng mới, theo quy định pháp luật thì khi khi chuyển 1ha rừng tự nhiên thì phải trồng lại 3ha rừng trồng. Với hồ chứa nước Ka Pét này thì chúng ta phải thực hiện trồng hơn 1.844ha rừng. Dự kiến thực hiện từ đây đến năm 2025, cố gắng hoàn thành cùng thời điểm với hồ chứa nước Ka Pét”, ông Sơn thông tin.
Như tin đã đưa, dự án chứa nước hồ Ka Pét được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019. Đến tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698ha, tăng gần 4,5ha so với phê duyệt ban đầu.
Mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam và cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm.
Đồng thời, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. Cùng với đó là phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Bình Thuận…
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73ha; trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72ha (đất có rừng là 619,58ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95ha; rừng phòng hộ là 0,51ha; rừng sản xuất là 440,4ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha và đất không có rừng 60,14ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha.