Nheo nhóc xóm Bè
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:00, 07/09/2019
Xóm Bè
Đúng như tên gọi, xóm Bè hay xóm Ghe là một quần thể dân cư sống trên bè và ghe. Những chiếc bè, chiếc ghe neo đậu san sát nhau thành hàng dài chừng vài chục mét ...
Muốn vào xóm, có một đoạn đường bê tông dẫn vào con đường đất hẹp trước khi đến chiếc cầu lắt lẻo. Bước lên cầu, một cảm giác sợ hãi ập đến. Những thanh gỗ, những khúc cây tạo thành cầu một cách chắp vá không chút an toàn, chông chênh và nguy hiểm.
Đường vào xóm Bè.
Hai bên cầu, nhiều vật dụng ngổn ngang. Dưới sông là rác. Rác ngập kín cả mặt nước. Qua khỏi đoạn cầu đầy gian nan đó, những chiếc bè liền kề hiện ra. Bè có mái che và bên trong được người ở sắp xếp như một căn nhà. Không có đường riêng cho từng nhà, muốn vào nhà một ai đó phải bước lên căn nhà đầu tiên rồi tiếp tục vào các nhà kế cận để đến nhà muốn tìm.
Có tất cả 7 bè được dựng lên. Phía ngoài là ghe. Chỉ là những chiếc ghe nhỏ, chiếc có mui, chiếc không...
Chúng tôi đến xóm Bè vào một buổi sáng. Xóm vắng. Không một bóng người. Lấy hết can đảm, chúng tôi lên cầu. Những bước chân của chúng tôi chao nghiêng theo dòng nước. Một tay tìm những vật có thể vịn được, chúng tôi lần mò đến được chiếc bè đầu tiên. May mắn, bên trong bè có người.
Ghe và bè ngổn ngang.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là người đàn ông trung niên. Ông mời chúng tôi lên bè. Bước vào trong, một quang cảnh khó tin ập vào mắt. Trên diện tích chừng hơn 10m2, một gia đình đang sinh sống.
Chỉ khoảng trên bằng gỗ bóng loáng dùng làm chỗ nằm ngủ, còn lại chứa vật dụng sinh hoạt. Không có một thứ gì đáng giá. Ở góc bè, trên chiếc võng, một phụ nữ đang nằm.
Ông là Nguyễn Văn Bền, 54 tuổi. Ông tựa lưng vào mạn bè. Tay ông đang đỡ đứa bé chừng vài tháng tuổi. Cạnh ông, bà Nguyễn Thị Mai, 53 tuổi vợ ông cũng đang vướng bận một bé gái. Cả 2 đứa bé đều là cháu nội của ông bà. Người phụ nữ nằm trên võng là chị Nguyễn Thị Út, 40 tuổi em ruột bà.
Ông Bền bắt đầu câu chuyện. Từ nhỏ, ông cùng gia đình sống tại Biển Hồ (Campuchia). Đến năm 1975, lúc ông 10 tuổi, cả gia đình trên chiếc ghe nhỏ xuôi theo dòng nước dọn về trú ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Được hơn 10 năm gia đình lại tiếp tục chuyển đến Trị Tôn (An Giang). Tại đây, ông kết duyên cùng bà Mai, sinh được 4 người con. Cứ thế, cuộc sống của gia đình ông bà lững lờ theo dòng nước.
Ông bà Bền mỗi người giữ một đứa cháu nội.
Khi các con bắt đầu lớn khôn, ông bà nghĩ đến việc cần phải tìm một nơi có điều kiện dễ dàng để mưu sinh. Vậy là sau nhiều ngày đêm xuôi mái chèo, ông bà và 4 người con cập bến Bình Điền này.
3 mảnh đời, 3 hoàn cảnh
'Ở tại bến Bình Điền chừng 7 năm thì có lệnh di dời để lấy chỗ xây dựng cảng, chúng tôi dạt đến nơi này', ông nói.
Nơi đây cách nơi cũ không xa lắm. 7 gia đình vốn là Việt kiều Campuchia kết bè nhập lai thành một xóm nhỏ trú ngụ tại đây đã được hơn 4 năm. Ban đầu, sống trên ghe nhưng do ghe nóng quá nên mỗi gia đình đều tự tìm vật liệu để ghép thành bè.
Rộng và thoáng hơn ghe nhưng do chắp vá nên bè cũng rất mong manh. Thêm vào đó, nước sông rất ô nhiễm. Khi nước ròng mùi hôi thối xông lên nồng nặc.
Cả 7 gia đình đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Làm đủ nghề, bươn chải khắp nơi nhưng cũng chẳng ai cải thiện được cuộc sống. Ông Bền đang tuổi về chiều vướng vào bệnh cao huyết áp, bị tai biến nhiều lần nên hiện tại không có ai thuê.
Mỗi ngày, ông chèo chiếc ghe nhỏ ra tận sông Chợ Đệm luồn lách trên sông tìm vớt những thứ có thể bán được để có thêm đồng ra đồng vào. Phải mất khoảng 2 ngày ông mới vớt được đầy ghe. Hai ông bà phải giặt rửa những thứ đã lượm cho sạch mới đem đi bán để thu về khoảng 30.000đ - 50.000đ.
Bé An Nhiên bị bướu cổ từ trong bụng mẹ.
Đã vậy, 6 tháng trước đây con dâu bà sinh đứa cháu nội. Đứa bé bị bướu cổ từ khi còn trong bụng mẹ. Bé tên An Nhiên nhưng chẳng an nhiên, đã phải nhiều lần nhập viện. Hiện nay, bé được bà nội chăm sóc để mẹ bé làm việc cật lực mới may ra có tiền mua sữa cho bé và những lần khám bệnh kế tiếp. Cha bé, con trai của ông bà vốn là công nhân nhưng công việc không ổn định. Câu chuyện đến đây dừng lại. Một đứa bé sà vào lòng bà thủ thỉ: 'Nội ơi, sao mẹ con đi lâu quá không về? Con nhớ mẹ con lắm'. Bà ôm đứa bé, mặt ngoảnh đi nơi khác. Khi bà quay lại, đôi mắt đỏ hoe.
Chị Út bị cướp đâm thủng ruột phải nằm một chỗ.
Đưa tay gạt dòng nước mắt, bà cho biết, 'mẹ nó bỏ cha con nó khi nó 10 tháng tuổi. Một mình cha nó làm sao nuôi được nên tôi phải nuôi. Cha nó đi làm xa, mỗi tháng gửi về hơn 1 triệu đồng để nuôi con. Con bé lớn lên chạy nhảy khắp nơi. Nhiều lần nó trượt chân rơi xuống nước. May mà phát hiện kịp thời.
Ông bà Bền mất 2 ngày mới lượm được đầy ghe.
Đã thế gần đây, đêm 4/8 trên đường đến chỗ làm cô em gái tôi đã bị cướp'. Nói đến đây, bà chỉ lên chiếc võng chị Út đang nằm. 'Nó bị đâm thủng ruột, bị chém đứt gân tay giờ phải nằm một chỗ'.
Chúng tôi hỏi thăm, chị cho biết, đêm ấy chị mang chiếc túi xách quàng qua vai. 'Tên cướp giật không được. Sau giằng co, nó đâm vào bụng tôi và chém tôi. Tôi bất tỉnh được bà con đưa đi cấp cứu. Hơn một tháng nay, tôi phải nằm một chỗ ...', chị Út kể lại.
'Đã nghèo lại gặp phải eo', gia đình ông bà Bền đang lâm vào ngõ cụt. Mong sao, ông bà và 6 gia đình còn lại ở xóm Bè này vượt qua được khó khăn để có cuộc sống ổn định hơn.
Chênh vênh như thế nên nhiều lần bé bị rơi xuống nước. May có người cứu kịp.
Đứng trước tình cảnh đó, cũng như đã chứng kiến quang cảnh xóm nghèo, sáng 10/9, PV VietNamNet có mặt tại phường 7 (Q.8, TP.HCM) với mục đích tìm hiểu thực trạng và phương cách hỗ trợ của chính quyền đối với những cuộc sống nghiệt ngã như thế.
Tiếc thay, cán bộ của phường cho biết, chủ tịch và phó chủ tịch đi họp không có ở trụ sở. Phó chủ tịch Văn xã nghỉ thai sản. Hơn nữa, lãnh đạo phường đều mới được điều về chừng 2 tháng nay nên khó nắm bắt được tình hình. Chúng tôi hỏi xin số điện thoại của chủ tịch và đã nhiều lần gọi nhưng đều không được nghe máy.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên Vietnamnet ngày 12/09/2019
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/canh-song-toi-tan-o-xom-be-o-chuot-giua-long-sai-gon-566327.html?fbclid=