Bình Thuận họp báo đột xuất vụ phá hơn 600ha rừng làm hồ chứa nước Ka Pét
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:44, 06/09/2023
Ngày 6/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết trước những thông tin trái chiều về việc thực hiện xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức họp báo.
Theo ông Nam, buổi họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét sẽ diễn ra chiều 7/9 tại trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận.
Tại buổi họp báo, tỉnh Bình Thuận sẽ thông tin đầy đủ dự án hồ chứa nước Ka Pét, ý nghĩa của việc thực hiện dự án và tiến độ thực hiện dự án với đại diện UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm...
Cũng trong sáng nay, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết hiện Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại khu vực phê duyệt xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, cho biết: "Chúng tôi đang đi kiểm tra, khảo sát lại khu rừng thuộc phạm vi dự án đã được phê duyệt tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Đi cùng đoàn có Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận. Sau khi đi kiểm tra, khảo sát sẽ có thông tin gửi đến cơ quan báo chí".
Như thông tin Dân trí đã đưa, dự án hồ chứa nước Ka Pét có dung tích 51 triệu m3, nằm trên địa bàn xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ngày 26/11/2019 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa XV vào tháng 6 vừa qua, Quốc Hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73ha; trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72ha (đất có rừng là 619,58ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95ha; rừng phòng hộ là 0,51ha; rừng sản xuất là 440,4ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha và đất không có rừng 60,14ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha.
Về trồng rừng thay thế, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 1.844,54ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích là 434,22ha (cho 144,74ha rừng tự nhiên).
Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại 1.410,32ha được giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.