Cách phòng tránh sốt xuất huyết khi sống trong khu vực có ổ dịch
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:24, 05/09/2023
Hà Nội có 142 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, tuần gần đây nhất (từ 25 - 31.8), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 1.129 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 73 ca so với tuần trước đó).
Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc là Đống Đa (105 ca bệnh), Cầu Giấy (86), Nam Từ Liêm (77), Hoàng Mai (76), Đan Phượng (68)...
Hà Nội cũng ghi nhận thêm 66 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện, thị xã: Đông Anh (10 ổ dịch); Phúc Thọ (8); Bắc Từ Liêm (7); Nam Từ Liêm (6); Cầu Giấy (4).
Các quận, huyện Hà Đông, Quốc Oai, Đống Đa, Ba Đình mỗi nơi có 3 ổ dịch. Các quận, huyện Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng mỗi nơi có 2 ổ dịch. 5 huyện: Gia Lâm, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, Đan Phượng mỗi nơi có 1 ổ dịch.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.693 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân ghi nhận trên 30/30 quận, huyện, thị xã; 541/579 xã, phường, thị trấn.
Các quận, huyện có nhiều ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là Thạch Thất (715 ca), Hoàng Mai (535), Thanh Trì (509), Bắc Từ Liêm (406), Hà Đông (367), Phú Xuyên (362), Cầu Giấy (335), Đống Đa (335), Nam Từ Liêm (328).
Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay là 473.Đến hết tháng 8, Hà Nội có 142 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại 24 quận, huyện. Trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (có 366 bệnh nhân); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (248); thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyệnThường Tín (76); thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (35)…
Đến ngày 31.8, Hà Nội có 1 ca mắc sốt xuất huyết tử vong.
Phát hiện sớm ổ dịch trong 3 ngày đầu, dập dịch mới hiệu quả
Theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch sốt xuất huyết vừa qua cho thấy một số tồn tại trong phòng chống dịch: Xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng (muỗi truyền bệnh) sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỉ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu…
Các chuyên gia dự báo thời gian tới, số mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch.
CDC Hà Nội khuyến cáo: Nếu phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch trong 3 ngày đầu thì việc dập dịch mới hiệu quả. Khi ổ dịch phát sinh từ 10 bệnh nhân thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng là khó tránh khỏi.
Vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị mỗi người dân, từng hộ gia đình chủ động các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, trong đó chú trọng diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh.
Theo các chuyên gia, dịch đang tăng mạnh tại Hà Nội, người dân nếu thấy sốt cao đột ngột cần vào bệnh viện khám ngay, vì sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Đặc biệt lưu ý, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ... dễ bị các biến chứng nặng.
Chuyên gia Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo:
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.