Những kẻ cướp cơ hội sống của người bệnh khi lao vào làn đường khẩn cấp
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:20, 05/09/2023
Cả chiều đi và chiều về trên đoạn đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, tôi đều chứng kiến rất nhiều ô tô không thuộc diện ưu tiên đi vào làn khẩn cấp. Trong hoàn cảnh lưu lượng giao thông tăng cao khiến dòng phương tiện phải đi khá chậm, những tài xế trên coi việc lấn làn là giải pháp đẩy nhanh tốc độ.
Trong số đó, có nhiều xe sang, biển số đẹp.
Đây là cảnh thường xuyên diễn ra trên nhiều tuyến đường cao tốc trong những dịp nghỉ lễ. Một buổi tối trong đợt nghỉ 30/4-1/5 diễn ra cách đây 4 tháng, đoạn cao tốc thuộc địa phận Hà Nam tắc kéo dài. Xe cảnh sát giao thông xử lý nút tắc này phải cực kỳ khó khăn để len lên phía trước, khi làn khẩn cấp đã bị bịt kín bởi một dãy dài vô tận ô tô đủ loại.
Một chiếc xe vận chuyển bệnh nhân đang hú còi và nháy đèn một cách bất lực. Mọi người chỉ cầu mong người bệnh trên đó không ở trong tình trạng khẩn cấp, bởi tình trạng tắc nghẽn không lối thoát này có thể khiến cho bất cứ ca cấp cứu nào trở thành tuyệt vọng.
Không chỉ cao tốc dịp nghỉ lễ, ngay ở Hà Nội, tình trạng ô tô đi vào làn dừng khẩn cấp diễn ra thường xuyên ở đường vành đai 3 trên cao. Một video được chia sẻ hồi đầu tháng 8 khiến cư dân mạng phẫn nộ bởi cảnh xe cứu thương hú còi trong vô vọng, không thể vượt lên cả dãy ô tô nối dài trong làn khẩn cấp.
Vành đai 3 trên cao là nơi cảnh sát giao thông đã rất nhiều lần tăng cường tuần tra và xử phạt, nhưng chuyện lấn làn khẩn cấp vẫn diễn ra như cơm bữa, đến nỗi cánh tài xế gọi đó là đặc sản của tuyến đường này.
Làn đường khẩn cấp được thiết kế để phục vụ việc dừng khẩn cấp cho những ô tô xảy ra sự cố, và là lối ưu tiên cho xe cứu hoả, xe cứu thương, cảnh sát hay các lực lượng đang làm nhiệm vụ đặc biệt.
Nếu không thuộc diện trên mà vẫn cố đi vào làn này thì hành vi đó phải gọi là “cướp” – cướp sự ưu tiên không thuộc về mình, cướp đi sự an toàn của những phương tiện khác bởi làm tăng nguy cơ tai nạn và cướp đi cơ hội được cứu sống, cơ hội hồi phục của những người đang cần cấp cứu.
“Có việc gấp”, “do vội quá”… là những lý do mà nhiều tài xế dùng để biện bạch khi bị xử phạt, nhưng tất cả chỉ là lời ngụy biện nực cười, vì trên đường làm gì có ai không vội! Chẳng qua là thói khôn vặt, bon chen, ích kỷ, thói vô pháp vô thiên, coi thường pháp luật đã ăn sâu vào não trạng những kẻ đó. Họ chỉ cần mình nhanh, mình được việc, còn người khác thì “sống chết mặc bay”.
Trên mạng xã hội, người ta phẫn nộ dùng những từ như “vô văn hóa”, “thiếu giáo dục”, “không được dạy dỗ tử tế”… để nói về những tài xế có thói quen đi lấn vào làn đường khẩn cấp. Mắng như vậy rất nặng, nhưng không sai!
Thật khó khi kêu gọi ý thức của những người bất chấp cả quy ước xã hội, sự an toàn của người khác cũng như lòng tự trọng của chính mình. Có lẽ cách đối phó tốt nhất với họ là phạt thật nặng.
Mức phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp dường như chưa đủ mạnh để răn đe. Bằng chứng chính là mức độ phổ biến của lỗi này ở rất nhiều tuyến đường có làn khẩn cấp.
Nên chăng, các cơ quan chức năng cùng bàn bạc, nghiên cứu để tăng gấp đôi mức phạt, đồng thời tăng cường camera giám sát trên các tuyến đường để không bỏ sót bất cứ trường hợp vi phạm nào. Khi nguy cơ trả giá đắt gần như là chắc chắn nếu có vi phạm, những tài xế coi trời bằng vung kia mới biết sợ.