Những doanh thương hiến cả gia sản cho cách mạng
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 10:19, 03/09/2023
"Cháu vẫn còn nỗi nhục mất nước"
Đất nước độc lập trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nạn đói đang diễn ra, tiềm lực quốc phòng, kinh tế không có gì. Do đó, để giữ vững nền độc lập, vai trò của kinh tế hết sức quan trọng. Trong những ngày lịch sử đó, có thể thấy rõ những đóng góp của giới doanh thương với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh còn hoạt động bí mật, giới doanh thương đã có những đóng góp to lớn khi âm thầm ủng hộ những khoản tài chính to lớn bằng tiền mặt, vàng, mua tín phiếu… để tổ chức hoạt động.
Điển hình như gia đình nhà tư sản ngành tơ lụa Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, trước Cách mạng tháng Tám đã ủng hộ cho Cách mạng số tiền tương đương với 200 cây vàng. Hoặc từ năm 1943, trong lúc quỹ của Đảng chỉ còn 24 đồng Đông Dương thì vợ chồng nhà tư sản buôn bán tơ lụa khác là Đỗ Đình Thiện cũng đã đóng góp 20.000 đồng Đông Dương để Đảng có quỹ hoạt động.
Sau khi từ chiến khu về Hà Nội chuẩn bị cho Lễ Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cả Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các cán bộ giúp việc đã trú ngụ tại nhà riêng của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô ở căn nhà số 48 Hàng Ngang.
Ông bà cũng là một trong những “Mạnh Thường Quân” chu cấp các nhu cầu hậu cần cả tháng cho Chính phủ lâm thời, tiếp các thành viên phái đoàn Đồng Minh mới vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật, may trang phục cho các thành viên Nội các lâm thời để ra mắt quốc dân.
Có lẽ, câu nói của bà Hoàng Thị Minh Hồ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi vợ chồng bà tuổi còn trẻ mà đã kinh doanh giỏi giang, có cơ ngơi đàng hoàng, cuộc đời yên ấm đã thể hiện rõ tấm lòng của giới doanh thương nước ta thời điểm đó. Trả lời báo chí sau này, bà Hồ kể lại đã trả lời Chủ tịch rằng: “Cháu vẫn còn nỗi khổ, cháu có nỗi nhục mất nước”.
Vì lẽ đó, giới doanh thương đã nhiệt tình tham gia vào sự nghiệp cách mạng, xóa đi nỗi nhục mất nước của cả dân tộc.
Mua cả nhà in của Pháp tặng Chính phủ
Sau ngày Độc lập 2/9/1945, bước vào xây dựng nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ, nhiệm vụ tái thiết nền kinh tế kiệt quệ vì chiến tranh, vì các ách bóc lột của phát xít, thực dân vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ này, tất nhiên phải được giao cho giới doanh thương đã có kinh nghiệm, tài năng và nhiệt huyết.
Do đó, ngay trong Ngày Độc lập tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới về việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; thay mặt Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã lên diễn đàn báo cáo trước quốc dân đồng bào về nhiệm vụ cần kíp khôi phục kinh tế đất nước.
Ông công bố chủ trương “Chính phủ sẽ kiến thiết nền kinh tế quốc dân để ai nấy tự do kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát”.
Nhà nước vừa thành lập, tình hình tài chính cực kỳ khó khăn. Ngân hàng Đông Dương vẫn đang bị quân Nhật chiếm giữ, kho bạc chỉ có hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương, trong đó đa phần là tiền rách hỏng được thu gom về, không tiêu được.
Để hoạt động, Chính phủ cần có tiền. Do đó, ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ lâm thời ký ban hành Sắc lệnh số 4-SL về thành lập “Quỹ độc lập”. Sau đó, Chính phủ ra chỉ thị về triển khai tổ chức “Tuần lễ Vàng” (từ 17/9 - 24/9/1945) trong cả nước để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ, ủng hộ nền độc lập quốc gia.
Tiếp đó, ngày 17/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào cả nước, nêu rõ ý nghĩa to lớn của việc tổ chức Tuần lễ Vàng và kêu gọi mọi người tích cực tham gia. Bức thư có đoạn viết: "Muốn củng cố nền tự do độc lập… chúng ta cần sức hi sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào, nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa của Tuần lễ Vàng là ở đó (...). Tuần lễ Vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hi sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hi sinh được chút vàng để phụng sự Tổ quốc".
Tuần lễ Vàng đã được toàn thể nhân dân nô nức hưởng ứng. Tuy nhiên, có khả năng nhất và đóng góp nhiều nhất chính là giới doanh thương, dẫn đầu là các gia đình tư sản, như gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng. Noi gương ông bà Trịnh Văn Bô, giới doanh nhân cả nước đã đóng góp cho Chính phủ Cách mạng 370kg vàng và hơn 40 triệu đồng Đông Dương nộp vào “Quỹ Độc lập”, cùng 20 triệu đồng nộp vào “Quỹ Quốc phòng” .
Ông Trịnh Văn Bô còn vận động giới doanh nhân tham gia góp vốn để thành lập Việt Nam công thương ngân hàng.
Vợ chồng ông Đỗ Đình Thiện cũng góp vào quỹ ”Tuần lễ Vàng“ 100 lạng vàng. Ông Đỗ Đình Thiện cũng là thành viên tham gia trong đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp năm 1946.
Cũng trong năm này, ông bà Đỗ Đình Thiện đã mua nhà in Topin của Pháp tặng cho Chính phủ để in tiền.
Ông bà Tống Minh Phương, những người cùng hoạt động với Chủ tịch Hồ Chí Minh thời ở Trung Quốc, khi trở về nước cũng đã hiến gần hết tài sản cho Cách mạng và còn mua biệt thự Cây Liễu ở gần Ngã Tư Sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng làm địa điểm họp bí mật ở Hà Nội trong những ngày gian nguy “vận nước ngàn cân treo sợi tóc” nửa cuối năm 1946.
Ở Hải Phòng, gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà cũng đã góp vào quỹ “Tuần lễ Vàng” 105 lạng vàng; ủng hộ vào quỹ Ủy ban chuẩn bị tổng khởi nghĩa 2 vạn đồng; đóng góp vào việc tiếp khách tới thành phố đón Hồ Chủ tịch đi dự hội nghị Fontainebleau về và đón kiều bào Pháp về nước số tiền và hiện vật trị giá 2,5 vạn đồng Đông Dương.
Nhà tư sản Ngô Tử Hạ, một ông chủ ngành in của người Việt lúc bấy giờ, cũng tích cực tham gia hoạt động ủng hộ chính quyền mới. Ngoài việc đóng góp một khối lượng tài sản không nhỏ cho kháng chiến và kiến quốc, cụ Ngô Tử Hạ còn hăng hái đứng đầu Hội Cứu tế, cứu đói của Chính phủ và đã hoạt động tích cực, tận tụy vào cuộc đấu tranh chống giặc đói, góp phần vào việc giữ nước trong những ngày đầu gian nan.
Nhà in của cụ cũng là nơi in ấn những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nhân dân thời đó thường gọi là “đồng bạc cụ Hồ”.
Nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của công, thương nghiệp đối với công cuộc kiến thiết nước nhà, ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời các đại diện giới doanh nghiệp và doanh nhân tới gặp mặt tại trụ sở của Chính phủ lâm thời ở Bắc Bộ phủ nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước.
Sau cuộc gặp này, Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ vừa ra đời được một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Sau này, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam.
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu Quốc. Trong thư, Chủ tịch viết: "Cùng các ngài trong giới công thương, được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công Thương cứu quốc đoàn và gia nhập vào mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng.
Hiện nay, Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư chính là những cam kết của Chính phủ Cách mạng với giới doanh thương, những “chiến sĩ tiên phong” trên mặt trận kinh tế của đất nước: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng.
Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân".
Lê Tiên Long