Hạt gạo Việt trên đỉnh lịch sử
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:07, 03/09/2023
Giữ vị trí top đầu thế giới
Báo cáo mới nhất từ Bộ NN-PTNT, chỉ trong 8 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo thu về 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá bình quân xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới.
Đặc biệt, hơn một tháng trở lại đây, khi Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo, giá mặt hàng này của Việt Nam lập tức tăng vọt và liên tiếp phá đỉnh lịch sử.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong phiên giao dịch hôm 31/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 643 USD/tấn, tăng 20,6% so với ngày 19/7. Còn so với ngày 1/1 năm nay, hiện giá gạo 5% tấm của nước ta đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%.
Giá gạo 25% tấm xuất khẩu cũng từ mức 438 USD/tấn (ngày 1/1) vọt lên mức 628 USD/tấn trong ngày 31/8, tức tăng 190 USD/tấn (tăng 43,4%).
So với các nước xuất khẩu gạo top đầu, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của nước ta đang chiếm giữ vị trí số 1 thế giới. Trong đó, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan lần lượt là 10 USD/tấn và 63 USD/tấn.
Với lượng gạo xuất khẩu 6-8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Ở một số thời điểm Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.
Gạo Việt theo đó được xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, tính đến giữa tháng 8 năm nay, Philippines, Trung Quốc và Indonesia là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta với thị phần lần lượt 40,3%, 14% và 12,1%.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch VFA, cho biết, cách đây 10 năm chúng ta dựa vào một số thị trường nhất định để xuất khẩu. Họ không mua thì gạo không biết bán cho ai. Song, đề án tái cơ cấu ngành đã cải thiện chất lượng gạo Việt Nam. Có gạo ngon chúng ta có quyền lựa chọn thị trường.
Đáng chú ý, năng suất lúa của Việt Nam từ 4,88 tấn/ha năm 2008 đã tăng lên 6,07 tấn/ha năm nay. Hiện, năng suất lúa của nước ta cao nhất trong khu vực ASEAN. Điều này cũng giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 thế giới về sản lượng gạo.
Theo tính toán từ Bộ NN-PTNT, năm 2023 nước ta gieo trồng lúa khoảng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt hơn 43 triệu tấn thóc, tương đương 27-28 triệu tấn gạo. Trừ đi nhu cầu các nhu cầu sử dụng tại nội địa, nước ta còn khoảng 7-8 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.
Tính đến 15/8, nước ta đã xuất khẩu 5,35 triệu tấn gạo, tức còn khoảng 2,15-2,65 triệu tấn gạo các loại để xuất khẩu từ nay đến cuối năm.
VFA nhận định, tình hình sản xuất và thị trường thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo chứa đựng nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đưa lên hàng đầu.
Trước các biện pháp ứng phó từ nhiều quốc gia và bối cảnh nguồn cung gạo ngày càng thắt chặt như hiện nay, chuyên gia trong ngành hàng này cho rằng, giá gạo xuất khẩu có thể tăng tiếp. Song từ nay đến cuối năm chỉ quanh mốc 600-800 USD/tấn, rất khó đạt ngưỡng 1.000 USD/tấn như 2008.
Hạt gạo Việt bước vào cuộc cách mạng mới
Trong hành trình phát triển cây lúa, chỉ cách đây vài năm chất lượng gạo Việt xuất khẩu vẫn ở mức thấp nên chỉ bán cho những quốc gia có thu nhập thấp. Nay, hơn 90% gạo Việt xuất khẩu là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới.
GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, nhờ có những giống lúa tốt, chất lượng gạo Việt dần được nâng cao. Đây cũng là một phần nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của nước ta vài năm trở lại đây luôn nằm trong top đầu thế giới.
Quan trọng hơn, nước ta còn kế thừa kinh nghiệm sản xuất từ nhiều năm qua để ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ ổn định sản lượng lúa gạo.
Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, năm 2015-2016 hạn mặn xảy ra ở ĐBSCL, chúng ta thiệt hại hơn 1 triệu tấn thóc.
Năm 2019-2020, El Nino quay lại và khốc liệt hơn. Song, chúng ta đã né hạn mặn nhờ có những giống lúa ngắn ngày, linh hoạt trong cơ cấu thời vụ dựa vào nguồn nước tưới tiêu của từng địa phương. Thế nên, dù El Nino xảy ra nhưng không có ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng lúa gạo của nước ta.
Với kinh nghiệm đã có trước đó, El Nino lần này chúng ta cũng hoàn toàn chủ động trong sản xuất, tự tin đảm bảo lượng gạo tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu, ông Cường cho hay.
Nhìn lại hành trình của hạt gạo Việt Nam, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, nước ta trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo, sau thành tựu bảo đảm an ninh lương thực trong nước.
“Hạt lúa từ đồng ruộng trở thành hạt gạo tiến ra thị trường, sông không còn bị ngăn, chợ không còn cấm, dòng chảy lúa gạo đi khắp nơi nơi. Những nhà nông học vào cuộc, tạo ra nhiều giống lai, năng suất cao hơn, lúa ngắn ngày hơn, thích ứng từng điều kiện vùng miền. Vòng đời cây lúa thay đổi vòng đời người trồng lúa”, Bộ trưởng Hoan nói.
Theo Bộ trưởng, ngành hàng lúa gạo Việt Nam hướng tới mục tiêu “chất lượng, tuần hoàn, phát thải thấp”. Một cuộc cách mạng mới lại bắt đầu để hợp với xu thế thời đại, tiến tới tạo dựng thương hiệu lúa gạo trên trường quốc tế.
Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao, tuần hoàn, phát thải thấp” ở ĐBSCL kết hợp với “Đề án hình thành hệ thống logistics nông nghiệp” và “Đề án cơ giới hóa nông nghiệp” sẽ định vị lại hình ảnh lúa gạo Việt Nam và dần lan tỏa ra các vùng miền khác.
Hình thành 1 triệu ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững.