Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để tăng tốc phát triển thương mại điện tử
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 17:17, 02/09/2023
Thương mại điện tử đang trên đà phát triển mạnh mẽ và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như thanh toán điện tử, dịch vụ hậu cần, hoàn tất đơn hàng cũng đã và sẽ là bệ phóng cho thương mại điện tử nói chung.
Hiện nay, ngoài các mô hình thương mại điện tử như doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), người tiêu dùng - người tiêu dùng (C2C), thị trường thương mại điện tử còn xuất hiện nhiều mô hình mới như: Online - Offline (O2O), chính phủ - người dân, chính phủ - doanh nghiệp (hay còn được gọi là G2C, G2B - dịch vụ hành chính công trực tuyến).
Chính vì vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch tại Việt Nam ngày càng chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đặc biệt là thanh toán điện tử thông qua các trung gian thanh toán hoặc các ứng dụng thanh toán còn thấp. Trên thực tế, các giao dịch thanh toán không qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như giao dịch thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, gửi tiền mặt qua các quầy giao dịch, gửi tiền qua bưu điện... chiếm tỉ lệ cao trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc này tiềm ẩn những rủi ro cho người tiêu dùng trong quá trình giao dịch như: khi hàng hóa/dịch vụ không đạt yêu cầu có thể không được người bán tiếp nhận chuyển hoàn, người tiêu dùng cũng không thể khiếu nại hoặc được bảo vệ trong các giao dịch như trên.
Nguyên nhân chính của việc này là thói quen mua sắm của người tiêu dùng còn sử dụng tiền mặt; niềm tin của người tiêu dùng vào các hạ tầng thanh toán điện tử hỗ trợ cho thương mại điện tử chưa cao; các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và người bán hàng trong giao dịch sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa có tính đồng bộ, nhất quán.
Hiện tại, tại Việt Nam chỉ mới xuất hiện hình thức thanh toán đảm bảo (thanh toán tạm giữ) thông qua tài khoản ví điện tử của người dùng hoặc được tạm giữ bởi chính các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Về bản chất số tiền giao dịch này được chung chuyển trong tài khoản ngân hàng thuộc công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử hoặc công ty sàn thương mại điện tử. Điều này còn tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng và doanh nghiệp thương mại điện tử do dòng tiền trong ví điện tử không được đảm bảo bởi một ngân hàng thương mại hoặc một tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu cao đối với thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cụ thể, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% vào năm 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ triển khai nhiều các giải pháp, hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành như: Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay; Nghiên cứu triển khai hệ thống thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử theo phương án trọng tài thương mại (ESCROW) hướng đến mục đích bảo vệ cả người tiêu dùng và người bán hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt trong một giao dịch thương mại điện tử.
Nhằm hỗ trợ các bên tham gia vào giao dịch sử dụng thanh toán trực tuyến được bảo vệ, thời gian tới, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) dự kiến sẽ cho ra mắt hệ thống đảm bảo giao dịch trong thương mại điện tử.
Hệ thống sẽ hướng đến hướng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường điện tử, bảo vệ lợi ích của các bên tham gia giao dịch trực tuyến, cụ thể: Tăng lượng thanh toán điện tử qua Escrow, giảm tỷ lệ COD; Tăng độ tin cậy và thúc đẩy gia tăng giao dịch; Giải quyết tranh chấp với cơ sở pháp lý rõ ràng; Bảo vệ lợi ích cho cả bên mua và bên bán…